Với các bạn đã quá quen đi mua bàn phím cơ, thậm chí còn chuyển sang chơi phím custom thì việc lựa một chiếc phím cơ hợp lý hẳn đã quá dễ dàng. Nhưng nếu bạn là người mới, lần đầu bỡ ngỡ rón rén bước chân vào thế giới kỳ lạ của phím cơ, thì, mọi việc thật không hề đơn giản.
Để rút ngắn chặng đường loay hoay đầy khó khăn ấy, hôm nay mình chia sẻ bí quyết chọn bàn phím cơ hợp lý. Hy vọng anh em sẽ tìm được đâu đó nhiều gạch đầu dòng có ích cho mình tại đây.
Yếu tố #1: Layout bàn phím
Cho dễ hiểu thì Layout bàn phím là Kich cỡ + số phím + cách sắp xếp các phím trên một chiếc bàn phím cơ. Ủa, mua bàn phím cơ thì tại sao phải quan tâm tới layout đầu tiên? Nguyên nhân là vì bàn phím cơ là thứ trong tương lai ảnh hưởng rất nhiều tới các hoạt động dùng, trải nghiệm lâu dài của bạn. Nên cần chọn một chiếc phím có layout phù hợp với mục đích sử dụng, không gian đặt để.
Bàn phím cơ thường có 3 loại layout phổ biến: Fullsize (tương đương khoảng 104 phím), Tenkeyless (thường 87 phím) và layout compact / mini (hay thấy nhất là 60%). Số % ở đây là so với fullsize 100% tính tới. Ngoài ra còn nhiều cỡ lửng lơ khác như 95%, 85%, 75%, 40%… nhưng mấy cái này thì ít thông dụng hơn, chỉ gặp ở các bàn phím custom. Chi tiết hơn về 3 cỡ bàn phím thường thấy:
- Fullsize: đây là bàn phím cơ đầy đủ các phím cần thiết từ A-Z, không bỏ qua hay giản lược nút nào. Với các bàn phím cơ gaming thì còn có thêm các nút chuyên dụng như hàng phím macro (dùng tung chiêu khi chơi game rất tiện), phím media (dùng điều khiển đa phương tiện dễ dàng) hoặc phím RGB (chỉnh bất cứ hiệu ứng đèn nào mình thích), núm chỉnh âm lượng… Ưu điểm là đầy đủ, muốn ăn món nào có liền món đó. Nhưng nhược điểm là giá đắt hơn các cỡ nhỏ (vì cần nhiều switch, nhiều phím và chức năng nhiều hơn) và khá chiếm diện tích trên bàn, cồng kềnh cho việc di chuyển.
- Tenkeyless là cỡ fullsize rút bỏ đi phần cụm phím số (numpad bên tay phải). Nên có kích cỡ nhỏ gọn hơn nhưng vẫn đầy đủ các nút chức năng cần thiết. Với bạn nào chơi game hay cần chỉnh chi tiết trong các phần mềm thiết kế chuyên dụng thì việc hàng phím F còn giữ nguyên trên các bàn phím TKL đúng là một món quà trời cho.
- Compact 60%: cỡ bàn phím này tuy cực kỳ nhỏ gọn, xinh xẻo, nhìn rất dễ mê nhưng lại rất kén người dùng. Bản thân mình cũng không quen dùng loại này, cứ tenkeyless làm tới thôi. Vì một nguyên tắc bất di bất dịch khi dùng compact là phải động chạm tới các Tổ hợp phím. Cho nên nó đặc biệt phù hợp với các bạn chuyên gõ văn bản, làm việc văn phòng, viết lách các thứ. Còn làm việc chuyên dụng, chơi game tốc độ thì sẽ gặp khá nhiều khó khăn. Một lưu ý khi chọn mua bàn phím cơ compact chính là thời gian làm quen. Chắc chắn là nếu chưa từng dùng qua lần nào, hoặc mới chuyển từ laptop hay bàn phím bình thường qua, anh em sẽ cần khá nhiều thời gian mới thật sự quen được với layout cách sắp xếp và dàn Tổ hợp phím của các con compact này.
Chốt hạ layout:
Chọn Fullsize nếu:
- Bàn làm việc thong thả, rộng rãi
- Làm các công việc nhập liệu tính toán
- Hoặc chuyên chơi các game RPG cần liên tục cày level, phó bản các thứ
Chọn TKL nếu:
- Muốn gọn gàng nhưng vẫn đầy đủ phím chức năng
- Chơi game đai trà, game nào cũng chiến
Chọn compact nếu:
- Cần bàn phím cực nhỏ gọn, linh hoạt cao
- Làm công việc chuyên gõ văn bản
- hoặc chỉ chuyên game FPS
- Muốn có bàn phím đẹp, lạ, không ngại học tổ hợp phím
Yếu tố #2: Keycap, diện mạo và một phần chất lượng gõ
Keycap là thành phần quan trọng trên một bàn phím cơ. Mỗi lần dùng chúng ta đều chạm tay, lướt trên các phím, nhấn xuống để cảm nhận lực bấm và âm thanh phát ra và thông qua keycap để gửi tín hiệu đến switch hoặc từ switch lên màn hình.
Nói tới Keycap bàn phím cơ thì có ba yếu tố anh em phải cân nhắc kỹ:
- Độ dày keycap
- Chất liệu keycap
- và Công nghệ in ký tự trên keycap
2.1/ Độ dày keycap
Mỗi hãng tùy theo đối tượng khách hàng, định hướng sản phẩm của mình sẽ có một lựa chọn khác nhau về hướng làm độ dày keycap. Thường các thương hiệu keycap bình dân nhắm tới khách hàng phổ thông, dễ tính sẽ có xu hướng làm keycap mỏng hơn một chút để giảm giá thành sản phẩm. Còn các thương hiệu lớn, nhất là các hãng chuyên nhắm vào đề cao giá trị của cảm giác bấm sẽ chọn cách làm keycap đủ dày, thậm chí dày dặn hơn hẳn các keycap bình thường, để nâng tầm cảm giác gõ và mang lại cảm giác xịn xò thật sự cho sản phẩm. Thường keycap mỏng sẽ tầm khoảng 1mm đổ xuống, keycap đúng chuẩn sẽ tầm 1,5mm. Tất nhiên con số cụ thể thể nào vẫn còn tùy hãng và đôi khi là tùy model trong các dòng sản phẩm.
2.2/ Chất liệu keycap
Hai chất liệu làm keycap phổ biến nhất trên bàn phím cơ hiện nay là ABS và PBT.
- Nhựa ABS: giá thành rẻ, dễ gia công, hắt LED tốt, âm thanh gõ trong, dễ tạo các màu sắc tươi sáng. Nhược điểm là chịu nhiệt kém, xài một thời gian sẽ bị bóng lên. Ví đặc tính dễ lên màu nên hiện nay rất nhiều bộ keycap nổi tiếng với giá thành đắt đỏ lại đang dùng chất liệu ABS để làm.
- Nhựa PBT: ưu điểm là cứng, chống hao mòn, chịu nhiệt tốt, không bị bóng lên theo thời gian, có độ nhám đặc trưng, bám tay tốt. Nhược điểm là giá thành cao, xuyên LED kém hơn và khả năng lên màu khi nhuộm cũng không tươi tắn được như ABS.
Giữa hai chất liệu này thì nhiều anh em trong giới phím cơ luôn đồn đãi rằng PBT tốt hơn. Điều này đúng vì các bàn phím cơ chất lượng cao dùng phím PBT đủ dày sẽ luôn cho cảm giác gõ cực kỳ đã, hơn hẳn ABS cùng độ dày cùng switch. Nhưng nhiêu đó chưa đủ. ABS hay PBT đều có “lãnh địa” riêng của mình. Đơn cử là đa phần các bàn phím cơ gaming cao cấp muốn phô diễn hết vẻ đẹp của dàn LED triệu màu bên dưới, thì đều sử dùng keycap ABS cả.
2.3/ Cách in ký tự trên keycap
Trong lịch sử bàn phím, có rất nhiều cách xử lý ký tự trên keycap. Nhưng cho tới nay thì tồn tại lâu nhất, được đón nhận nhiệt tình nhất là 3 hình thức sau:
- Khắc laser (laser cut): so với hai công nghệ còn lại thì cái này khá thô sơ. Cách làm sẽ là sử dụng laser để khắc các kí tự trên bề mặt keycap, sau đó các màu kí tự sẽ được đổ đầy các rãnh này tạo nét. Ký tự có độ nổi kha khá, và dễ bị bay theo thời gian. Nên hiện nay hầu như còn rất ít hãng dùng kiểu này.
- Dye-sub: Là dùng nhiệt để đưa màu sắc vào sâu bên trong lõi của keycap. Điểm chung của các keycap in dye-sub là màu sắc khá tươi, ký tự có nhiều tone màu đặc sắc lạ mắt, và nhìn chung là cũng khó bay màu ký tự. Nhược điểm là không xuyên LED và chỉ có thể dùng với nhựa PBT.
- Double shot: Công nghệ này giúp keycap có hai lớp nhựa. Lớp vỏ ngoài và lớp trong. Lớp trong có màu sắc khác, giúp thể hiện ký tự và làm khung đỡ cố định, kiểu giàn giáo cho mặt trong của mỗi phím. Lớp ngoài là màu nền của keycap. Ưu điểm lớn của công nghệ xử lý này là ký tự hầu như trường tồn theo thời gian, và keycap có khả năng xuyên LED rất tốt.
Yếu tố #3: Switch, linh hồn của mọi bàn phím cơ
Điểm khác biệt lớn nhất giữa bàn phím thường và bàn phím cơ chính là sự hiện diện của các switch bên dưới phím (thay vì một màng cao su liền mạch như các bàn phím thường). Chính các switch này hầu như sẽ quyết định 90% cảm giác gõ, âm thanh khi gõ, độ nhạy phím, độ chính xác và tốc độ phản hồi của từng phím trên bàn phím cơ.
Khái niệm switch bàn phím cơ hiện giờ không chỉ gói gọn trong các switch cơ học thuần chủng mà còn mở rộng ra nhiều nhánh hơn. Cụ thể khi nói tới switch, ta sẽ có 3 nhóm sau:
3.1/ Nhóm các switch thuần cơ học 100%
Trong nhóm này lại chia thành 4 loại nhỏ: linear, tactile, clicky và low profile. Các tên tuổi lớn gồm Cherry, Gateron, Kailh, Outemu…
Trong đó:
- Clicky switch (Cherry Blue): cảm giác bấm cực kỳ đã. Anh em nào mới chơi bàn phím cơ nên dùng các bàn phím switch clicky, sẽ cảm nhận rõ sự khác biệt với bàn phím thường hơn. Gõ đã tay, nghe sướng tai, bật lại nhanh chóng, xúc giác rõ ràng nhất trong tất cả các loại switch cơ học. Nhược điểm là clicky gây ra tiếng ồn rất lớn nên bạn nào ngại ồn thì không nên dùng.
- Linear (Cherry Red/ Black): Đây là loại switch dễ dùng nhất với tất cả mọi người và mọi mục đích dùng. Hành trình phím diễn ra trơn mượt không có cảm giác khấc, hay khựng lại giữa chừng như clicky và cũng ít ồn hơn nhiều. Nhược điểm lại là độ phản hồi kém, nên nhiều bạn chuyên gõ văn bản không hảo món này cho lắm.
- Tactile (Cherry Brown): Đây là loại switch có được ưu điểm của cả hai loại trên. Vừa có độ khấc, phản hồi tốt, xúc giác tốt nhưng lại vừa hạn chế được tiếng ồn.
3.2/ Nhóm các switch lai
Ví dụ như các switch cơ quang. Vừa có yếu tố cơ học, lại vừa có cơ chế quang học. Như các mẫu switch opto của Razer, Logitech, Fuhlen…
3.3/ và Nhóm các phím không phải cơ học
Hiện tại chỉ có một loại duy nhất hầu như không dính gì tới cơ học nhưng lại được xếp vào hàng bàn phím cơ. Đó là switch cảm biến điện dung Topre, một cái tên mà khi đi vào thế giới bàn phím cơ anh em sẽ thấy rất nhiều người khao khát sở hữu. Switch Topre cho cảm giác gõ và âm thanh rất khác, đặc trưng là nhẹ mềm mượt như tơ và âm thanh thock thock khác biệt. Nhưng hiện Topre chỉ đang dùng trên một số thương hiệu bàn phím cơ cao cấp như Realforce…
Các yếu tố khác cần quan tâm khi chọn mua bàn phím cơ
1/ Đèn LED
LED trên bàn phím cơ hiện giờ không chỉ đơn thuần có tác dụng soi sáng ký tự nữa mà còn là một tính năng thú vị khi chơi game, và là vẻ ngoài sành điệu mà anh em gamer muốn có. Tuy nhiên nếu bạn không chơi game, hoặc đã chơi lâu không màng tới các đèn đóm muôn màu nữa, thì mình thành thuật khuyên là nên tìm tới với các bàn phím cơ đầu tư cho cảm giác gõ. Vừa tiết kiệm lại vừa đúng với thứ đang cần.
2/ Kết nối
Đa số các bàn phím stock (bàn phím có sẵn của các hãng) đều đang dùng một trong ba kiểu kết nối sau:
- Kết nối qua cáp liền (không thể tháo rời)
- Dùng cáp nhưng có thể tháo rời
- Kết nối không dây qua Bluetooth
Với các stock keyboard kết nối qua cáp liền thì đa phần là cáp thẳng, màu sắc tùy hãng. Hàng cao cấp thì cáp còn được bọc dù, bọc vải. Nhiều game thủ chọn bàn phím cơ có dây cáp liền vì nó đảm bảo độ không có độ trễ và tín hiệu được truyền ổn định 100% khi chơi game. Còn với người gõ máy hay làm việc văn phòng thì tùy nhu cầu di chuyển. Ai thường để phím cố định trên bàn thì cũng sẽ thường chọn có dây. Ai thường di chuyển đây đó hoặc thích sự linh động thì có thể chọn hai dạng kết nối còn lại sau đây.
Bàn phím cơ dùng cáp nhưng có thể tháo rời. Cũng giống như bàn phím cơ cáp liền, phải có cáp kết nối vào máy tính thì mới dùng được bàn phím, nhưng sau khi dùng xong hoặc khi cần di chuyển có thể tháo cáp ra và tự do di chuyển. Khi nào xài nối vào lại. Như vậy vừa đảm bảo được độ trễ bằng không, vừa có được sự linh hoạt cần thiết. Đây cũng là một thiết kế ở giữa, có nhiều ưu điểm, được ưa dùng cả với game thủ lẫn người dùng thường.
Nhưng có một lưu ý với mấy bàn phím có cáp liền hoặc cáp rời này là cổng cắm dù dạng nào đi nữa thì cũng có khả năng bị lờn khi tháo ra gắn vào liên tục. Nhất là cáp liền, nhiều khi hư rồi là khỏi có cái thay thế luôn. Nên anh em xài kỹ kỹ chút.
Bàn phím cơ kết nối không dây nhờ có nhu cầu và xu hướng lớn nên ngày càng phổ biến hơn, giá thành cũng hạ hơn trước đây nhiều. Kết nối không dây ở bàn phím thì có ba dạng:
- Kết nối không dây qua Bluetooth: Bluetooth có độ linh hoạt cao, kết nối nhanh với nhiều thiết bị hiện đại như smartphone, máy tính bảng, laptop, smartTV… tùy đời Bluetooth còn có khả năng tiết kiệm pin và tăng độ ổn định. Nhưng nhìn chung thì các bàn phím cơ Bluetooth ít được anh em chơi game ưa chuộng bằng loại có dây vì ít nhiều cũng tồn tại độ trễ nhất định. Trong khi chơi các game tốc độ cao thì từng ms cũng đáng giá.
- Kết nối không dây qua Receiver: tuy giải quyết được tình trạng bị trễ của Bluetooth. Nhưng nhược điểm lớn lại là hầu như rất khó tìm được một chiếc phím cơ đúng chuẩn, đã tay, đã mắt mà dùng kết nối Receiver.
- Kết nối Bluetooth nhưng có thêm cáp rời đi kèm: Đây là dạng phím cơ mà anh em gamer kết hợp làm việc yêu nhất đây. Khi nào cần làm việc, để gọn gàng đi qua đi lại dễ dàng thì cứ Bluetooth làm tới. Có mấy hãng lớn còn hỗ trợ một lượt tới 4 thiết bị qua Bluetooth, chuyển đổi qua phím bấm dễ dàng, rất tiện. Xong việc, tối về nhà, chơi game thì cứ gắn cáp vào phê pha. Đảm bảo không còn trễ tràng gì.
3/ Phần mềm tùy chỉnh đi kèm
Cái này thường có ở mấy bàn phím chuyên gaming. Tiêu biểu là bàn phím gaming của một số hãng lớn như Corsair, Razer, Logitech… Mỗi hãng đều có thiết kế phần mềm riêng với thế mạnh và khả năng can thiệp sâu khác nhau. Đa phần thường dùng để điều chỉnh chế độ LED, dàn phím macro… Thậm chí một số bàn phím dùng switch Topre như Realforce APC còn có thêm chức năng Actuaction Point Changing, nghĩa là có thể dùng phần mềm điều chỉnh lại điểm nhận phím trên từng phím (nhờ có thiết kế đặc biệt của các switch Topre bên dưới). Nói chung nếu chơi game hoặc gõ máy chuyên dụng mà có nhu cầu tùy chỉnh nhiều thì khi chọn bàn phím, anh em nên quan tâm kha khá tới yếu tố Phần mềm này.
4/ Các yếu tố khác
Tùy sở thích riêng, các bạn còn có thể nghía qua các yếu tố nho nhỏ khác sau đây:
- Layout định dạng ANSI/ ISO: đây là hai dạng layout sẽ có khác biệt rõ nhất ở phím Enter, phím Fn và một số phím chức năng khác. Chọn cái nào tùy sở thích cá nhân thôi, nhưng ANSI sẽ dễ chơi keycap hơn ISO.
- Case bàn phím: các bạn chơi bàn phím cơ nhiều sẽ rất quan tâm yếu tố này. Case nôm na là khung bên ngoài bàn phím. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức nặng, độ chắc chắn, thiết kế ngoài và một phần liên quan tới cảm giác gõ. Case thì có chất liệu, màu sắc và độ dày. Đơn giản nhất với người chơi mới để test case là cầm lên vỗ vỗ nhẹ vào mặt sau bàn phím, nghe xem âm thanh có đáng tin cậy. Rồi gõ thử xem có độ bọng không. Có bạn còn uốn uốn thử bàn phím để cảm nhận sơ bộ độ biến dạng của chất liệu (cái này không nên làm ở chỗ bán nếu không muốn bị ăn mắng).
- Còn nếu anh em mua bàn phím với ý định vừa để xài lâu dài vừa chơi custom sau này thì còn phải để ý tới các yếu tố như: Plate, stabilizer… Còn nếu chỉ mua để làm việc hay chơi game hoặc người mới thì cũng không cần để ý tới mấy cái này lắm. Chỉ cần gõ thử thấy êm là được.
Bài tới đây quá dài. Hy vọng đã mang tới được không 10 thì cũng 7-8 phần các bí quyết ghi sổ giúp anh em tự tin chọn bàn phím cơ hơn, nhất là chiếc bàn phím cơ đầu đời. Có gì thắc mắc mọi người cứ liên hệ inbox phongcachxanh của tụi mình tại đây hoặc đây để được tư vấn thêm.
Tham khảo thêm sản phẩm bàn phím cơ tốt nhất tại Phong Cách Xanh >> Bàn phím cơ CHERRY Xtrfy K5V2 Compact RGB – 65%