KOBO Studio, cái tên nghe hơi lạ, là một dòng bàn phím cơ đặc biệt đến từ thương hiệu Filco, từ Nhật Bản, vốn rất nổi tiếng trong giới chơi bàn phím với những tuyệt phẩm chất lượng cao và mang dấu ấn riêng không lẫn vào đâu được.
Đôi nét về Filco
FILCO là thương hiệu bàn phím cơ đến từ Nhật Bản. Được ra đời từ năm 1992 cho đến nay, FILCO nổi tiếng với các sản phẩm bàn phím cơ sử dụng switch Cherry có độ hoàn thiện cao cùng thời gian bảo hành lên đến 5 năm.
Đôi nét về Filco Kobo Studio
Vì sao gọi là dòng bàn phím đặc biệt của đặc biệt?
Đầu tiên là vì nó rất đắt, so với cả các bàn phím trong nhà của Filco và cả trên thị trường. Có rất nhiều kiểu bàn phím trong dòng này, chia theo tiêu chí nào thì tí mình sẽ nói thêm, nhưng “nền nã” nhất cũng đã 4.5 chai, còn cao nhất lên tới 6 chai/ chiếc. Đây là một con số không hề nhỏ với cả dân chơi chứ đừng nói tới người dùng bình thường.
Tiếp theo là vì nó rất lạ. Các bàn phím cơ thông thường dù thuộc hàng cao cấp nhưng đa phần cũng sẽ chỉ xoay vòng các chất liệu chọn lọc thường thấy như nhựa PBT, aluminum, mạ niken các thứ. Nhưng Kobo studio thì không chỉ có vậy nha. Filco phải nói là “chơi lớn” thật sự. Các chất liệu siêu cao cấp, hiếm, khó gia công và đặc thù rất riêng mang tính nghệ thuật như vàng, bạc, sơn mài và pha lê lần này được mang cả lên bộ sưu tập bàn phím cơ Kobo Studio này. Đây đều là những chất liệu quý thường được dùng trong trang sức, phù điêu, đồ dùng hoàng gia… Không chỉ về giá trị vật chất, mà vì chúng còn mang tính biểu tượng và tinh thần tượng trưng cho văn hóa, nhân sinh và khái niệm.
Không hiểu Filco đã làm gì với bộ sậu của mình mà tìm ra được dàn nghệ nhân chuẩn thật sự để biến hóa tài tình với loạt chất liệu tốn kém này. Qua tay các nghệ nhân lành nghệ, đột nhiên mọi thứ không còn quá xa xôi phù phiếm nữa mà “hạ cánh an toàn” trên những chiếc bàn phím cơ cực kỳ sang trọng trong dòng Kobo studio.
Lý do thứ ba là vì khâu chế tác cực kỳ công phu, tỉ mỉ và đòi hỏi nhiều kỹ thuật thủ công phức tạp. Chế tác sơn mài, nung bạc cho đến sơn áp thủy, mỗi phong cách chế tác khác nhau đều mang đến những tác phẩm độc nhất vô nhị.
Một lý giải khác cho mức giá đẳng cấp là vì tính duy nhất của từng sản phẩm làm ra. Do hầu hết tất cả các khâu đều làm thủ công nên mỗi chiếc bàn phím cơ của dòng Kobo đều là một tác phẩm nghệ thuật duy nhất, không chiếc nào giống chiếc nào và không thể tìm ra cái thứ hai y đúc, kể là có cùng màu, cùng kiểu dáng.
Thêm vào đó, Kobo studio thừa hưởng tất cả những ưu điểm vượt trội và giá trị nguyên bản của một chiếc bàn phím made in Nhật Bản từ thương hiệu Filco danh tiếng: chất liệu an toàn chuẩn ROHS, các dạng kết nối linh hoạt, có đủ các kích cỡ và loại switch khác nhau để tùy chọn. Đặc biệt là trong dòng bàn phím Kobo lại chia làm nhiều dòng con, được đặt tên theo các dòng tính năng của Filco, có thể kể ra như:
- Majestouch Convertible 2: kết nối Bluetooth tối đa 4 thiết bị và 1 thiết bị qua cáp USB tháo rời.
- Majestouch 2: là dòng căn bản truyền thống của Filco, nổi bật với tính năng NKRO qua cổng PS/2 nhận diện tất cả các phím bấm cùng lúc. Nghe thì đơn giản nhưng ngay cả các bàn phím chuyên gaming hiện đại giờ cũng không chắc làm được đâu nha mọi người.
- Minila Air: là dòng tenkeyless siêu nhỏ gọn, kết nối Bluetooth tối đa 4 thiết bị và 1 thiết bị qua cáp USB tháo rời.
- Tenkeypad: là các bàn phím numpad chỉ có các phím số và một vài phím chức năng căn bản, dùng cho người chuyên nhập liệu.
Điểm nhấn độc đáo trên từng model của dòng bàn phím cơ Filco Kobo Studio
Tên của mỗi model trong dòng Filco Kobo Studio gồm 3 vế:
- Vế 1 là tên dòng sản phẩm theo chức năng (như mình vừa kể ở trên): cho biết rõ từng mẫu sẽ có chức năng gì nổi trội.
- Vế 2 là tên gọi điểm nhấn đặc trưng cho mỗi model về kỹ thuật chế tác và thẩm mỹ.
- Về 3 thường là tone màu của từng model. Cái này dễ hiểu, gọi sao thì ý nghĩa y chang vậy.
Ví dụ như model Filco Filco Majestouch Convertible 2 Ninja Shibuki Red thì: Vế 1 = Majestouch Convertible 2 Ninja. Vế 2 = Shibuki . Còn Vế 3 = Red
Đặc trưng chế tác và thẩm mỹ của từng model trong dòng Kobo (Vế 2 trong tên của mỗi model)
Điểm nhấn mà theo mình là rất độc chiêu của mỗi bàn phím Filco Kobo Studio chính là ở các chi tiết được làm thủ công tinh xảo. Ở đây mình đang nói tới các chi tiết chứ không còn là tổng thể nữa. Cụ thể là:
1/ Các model tên có chữ Galaxy: thì sau khi phủ lên một lớp sơn mài màu xanh navy, các nghệ nhân Nhật Bản tiếp tục phủ thêm một lớp bạc lấp lánh khắc họa nên dải ngân hà huyền ảo. Cuối cùng, một lớp sơn mài màu xanh trong được phủ thủ công cẩn thận lên trên tạo cảm giác lấp lánh như hàng vạn ngôi sao giữa bầu trời đêm huyền diệu.
2/ Model trong tên có chữ Lumi Skull: có thể tự phát sáng mà không cần đèn LED nhờ các họa tiết kiểu “skull” làm từ pha trộn các nguyên liệu độc đáo.
3/ Model tên có chữ Oliva Avario/ Wood/ Vintage/ Framboise: trong khâu chế tác sẽ dùng đến Công nghệ Hydro Dip để tạo ra những đường vân độc đáo. Lớp sơn được chuẩn bị một cách tỷ mỉ trên mặt nước trước khi được chuyển lên chiếc vỏ bàn phím cơ Filco KOBO Studio tạo nên những sản phẩm có một không hai. Bên ngoài còn được phủ thêm một lớp sơn trong suốt đóng để tăng độ bóng bẩy sang trọng và gia cố độ bền cho nước sơn màu bên dưới.
4/ Các model trong tên có chữ Candy: sẽ có logo Filco đính đá pha lê Swarovski lấp lánh vốn chỉ được dùng cho các món trang sức cao cấp và màu sắc của các model Candy này cực kỳ thời thượng và sắc sảo, màu nào ra màu đó và rất cá tính.
5/ Các bàn phím trong tên có chữ Akakinsunako: là các bàn phím kiểu Sơn mài truyền thống Nhật Bản, đậm chất châu Á, kết hợp vàng, bạc và sơn mài để hoàn thiện sản phẩm.
6/ Khi nhìn thấy tên model có chữ Raden: đồng nghĩa với các bàn phím dùng kỹ thuật chế tác Xà cừ, trong đó bằng kỹ thuật sơn mài truyền thống Nhật Bản, các nghệ nhân hoàn thiện lớp sơn mài đen tuyền lên và sau đó phủ khắp chiếc bàn phím cơ Filco Kobo Studio Raden bằng xà cừ. Sau đó, quá trình phủ, làm mịn và đánh bóng xà cừ được lặp lại đến 10 lần giúp lớp xà cừ láng mịn bóng, lấp lánh dưới ánh sáng.
7/ Tên có chữ Aurora: là các model chế tác với kỹ nghệ truyền thống Nhật Bản: Các phôi bạc chất lượng cao được tạo màu óng ánh bằng kỹ thuật truyền thống Nhật Bản được gọi là nung phôi. Sau đó, các phôi bạc được dát cẩn thận từng chiếc một lên bàn phím cơ Filco và hoàn thiện bằng một lớp sơn mài trong suốt. Dưới bàn tay của các nghệ nhân Nhật Bản giàu kinh nghiệm, các vân nung phôi bạc được hiện lên đẹp mắt và khác lạ. Khi dát lên bàn phím, không một chiếc bàn phím cơ Filco Kobo Studio Aurora nào giống chiếc nào cũng như màu sắc luôn khác nhau khi bạn thay đổi góc độ nhìn hoặc ánh sáng.
8/ Và khi thấy tên có chữ Seiji thì nghĩa là: trong quá trình chế tác, lớp sơn mài màu đen tuyền được phủ thủ công lên toàn bộ bàn phím cơ Filco Kobo Studio Seiji. Sau đó, một lớp bạc được phủ cẩn thận lên bàn phím và hoàn thiện bằng một lớp sơn mài xanh men ngọc trong suốt. Sự hoàn thiện độc đáo giữa ba lớp nguyên liệu quý hiếm và độc đáo giúp Seiji ánh lên màu xanh ngọc đặc trưng, dễ dàng tạo cảm giác thoải mái và dịu mắt.
9/ Khi tên model có chữ Ryokuyu nghĩa là Màu của đồng lúa Nhật Bản: Lớp sơn mài màu đen tuyền được phủ thủ công lên toàn bộ bàn phím cơ Filco Kobo Studio Ryokuyu. Sau đó, một lớp bạc được phủ cẩn thận lên bàn phím và hoàn thiện bằng một lớp sơn mài xanh lá mạ trong suốt. Sự hoàn thiện độc đáo giữa ba lớp nguyên liệu quý hiếm và độc đáo giúp Ryokuyu ánh lên màu xanh mạ non, màu của đồng lúa Nhật Bản giúp mang lại sự thoải mái và thư giãn sau ngày dài làm việc căng thẳng, mệt mỏi.
10/ Và nếu thấy Vế 2 trong tên model là Shibuki thì nhớ à ố lên một tiếng: đây cũng chính là model đắt nhất trong dòng Kobo với giá gần 6 triệu một chiếc. Được đặt cho cái tên mỹ miều: Shibuki nét đẹp từ sự ngẫu hứng. Nghĩa là bằng kỹ thuật sơn mài truyền thống Nhật Bản, người nghệ nhân phủ lên một lớp sơn mài màu đỏ son tượng trưng cho sự may mắn. Tiếp đến, một lớp sơn mài kết dính lá vàng Kogane danh tiếng từ Nhật Bản làm cho logo Filco bằng vàng sang trọng được hiện lên rõ nét. Sau khi hoàn tất, người nghệ nhân tiếp tục sử dụng sơn mài đen, đỏ và trong suốt pha với vàng thật để điểm xuyến những đường nét đầy cảm hứng, không tuân theo bất kỳ quy luật nào lên chiếc bàn phím cơ Filco Kobo Studio Shibuki Red. Mỗi tác phẩm đều mang giá trị độc nhất, bạn không thể tìm kiếm một chiếc Shibuki Red thứ hai có họa tiết giống y đúc chiếc mà bạn đang sở hữu đâu.
Chỉ nhiêu đây thông tin thôi đã đủ làm mình choáng lên choáng xuống. Vẫn biết người Nhật làm gì là làm cho tới, nhưng đến mức này thì phải gọi là ngả mũ chào. Tầm này thì không phải tốt gỗ không rồi mà là Tốt gỗ cả tốt nước sơn luôn này.
Nếu được một lần lên tay và dùng hết ngần này con phím thì ăn chay trường em cũng cam tâm.
Tham khảo thêm sản phẩm bàn phím cơ tốt nhất tại Phong Cách Xanh >> Bàn phím cơ CHERRY Xtrfy K5V2 Compact RGB – 65%