Tất tần tật về bàn phím

Sự khác nhau giữa bàn phím thường và bàn phím cơ

Bàn phím hiện nay chia thành 2 loại là Membrane Keyboard và Mechanical Keyboard, trước khi lựa bàn phím thì bạn cũng nên tìm hiểu về 2 loại này.

  • Membrane Keyboard (bàn phím thường) đi đâu cũng thấy, giá rẻ dễ xài, tùy theo giá thành mà nó sẽ tương ứng với tính năng và mẫu mã cũng như độ bền. Nguyên lý hoạt động của loại này thì cực kỳ đơn giản; bàn phím gồm có: keycap (phím), lớp đàn hồi và bản mạch. Khi bạn nhấn phím, phím sẽ đè xuống lớp đàn hồi, lớp đàn hồi này sẽ chạm vào bản mạch tạo tín hiệu phím nào đã được nhấn sau đó tạo lực đẩy để cho phím nảy lên. Membrane Keyboard thực chất tiến hóa từ Mechanical Keyboard vì nó nhẹ hơn, dễ sản xuất mà giá thành lại mềm hơn.
  • Mechanical Switch Keyboard (bàn phím cơ) thật sự có từ lâu lắm rồi chứ không phải mới đây, bàn phím cơ đầu tiên xuất hiện là Model M Keyboard vào năm 1985 của IBM – nhìn rất thô. Sau này thì được các nhà sản xuất nghiên cứu đem nó trở lại, nhờ những người hoài cổ mà loại này được cải lão hoàn đồng và bắt đầu nổi tiếng lên nhờ chất lượng và trải nghiệm khi sử dụng.

Khác với bàn phím thường, bàn phím cơ phức tạp hơn nhiều, mỗi phím mà bạn thấy là một hệ thống nút riêng. Keycap khi nhấn sẽ đè xuống switch (công tắc), switch này có lò xo để đàn hồi và một cái chân (stem), khi stem chạy xuống thì sẽ nhường chỗ cho 2 mảnh kim loại rất nhỏ chạm vào để đóng kín mạch với bảng mạch phía dưới để gửi tín hiệu. Nói cho dễ hiểu thì bàn phím cơ là tập hợp của rất nhiều switch, giống như một cái bảng điện mà có tới 104 công tắc vậy.

Chưa hết đâu với mặt hàng switch chủ yếu hiện nay, thông dụng nhất là của hãng Cherry thì các switch này còn được phân loại theo mã màu. Mỗi loại sẽ có đặc điểm riêng, cho cảm giác khi nhấn khác nhau thậm chí âm thanh khi nhấn.

Cherry MX Black Switch (Linear)

Black Switch là một trong những loại switch tốt nhất để chơi game vì thuộc dạng linear. Switch Linear sẽ cho bạn cảm giác bấm phím rất mượt, phím khi nhấn sẽ đi xuống thẳng tới khi đụng đáy mà không gặp cản trở gì. Black Switch cần lực nhấn ~ 60g, quãng đường của phím cho tới đáy là 4mm nhưng ở 2mm là đã phát được tín hiệu rồi.

Xem thêm >> Bàn phím giả cơ là gì? Nên mua bàn phím cơ hay giả cơ?

Cherry MX Red Switch (Linear)

Loại này cũng giống như Black Switch nhưng lực bấm thì nhẹ hơn rất nhiều, chỉ ~45g. Đây phải nói là lựa chọn tối ưu cho những ai có nhu cầu chơi game và làm việc, sử dụng Red Switch và gõ với tốc độ cao bạn sẽ có cảm giác những ngón tay của mình như đang bay. Red Switch cũng có quãng đường tới đáy là 4mm, và chỉ cần tới 2mm để phát tín hiệu.

Cherry MX Brown Switch (Tactile)

Brown Switch thuộc dạng Tactile, stem của loại này có một cái gờ nhỏ, nên khi bấm sẽ tạo cảm giác khựng nhẹ hay nói đúng hơn là sượt qua một vật cản nhỏ. Switch loại này tạo một cảm giác cũng như tín hiệu xác nhận rằng phím đó đã được nhấn. Lực nhấn cũng ngang ngang với Red Switch nên rất dễ bấm, và cũng có quãng đường di chuyển giống vậy.

Cherry MX Clear Switch (Tactile)

Clear Switch thuộc dạng hạng nặng của Brown Switch do gờ chỗ stem bự hơn và rất rõ ràng, cũng chính vì vậy và loại này cần lực bấm mạnh hơn (~55g). Clear Switch thật ra được nhiều người thấy hữu dụng hơn Brown Switch đặc biệt đối với gamer, bạn có thể đè nhẹ phím cho chạm gờ trong những trường hợp cần chuẩn bị trước để thao tác nhanh hơn. Quãng đường di chuyển cũng là 2mm, và 4mm để tới đáy, Clear Switch sẽ phát ra tiếng click nhỏ khi nhấn.

Cherry MX Blue Switch (Tactile)

Đây là loại vui tai nhất, nó sẽ phát ra tiếng click rất rõ ràng báo cho người sử dụng rằng phím được nhấn đã có hiệu lực. Blue Switch cần lực nhấn nhẹ hơn Clear Switch một chút (~50g) và có quãng được di chuyển y chang. Đây là loại switch sử dụng tốt nhất cho những ai đánh máy hay viết lách nhiều chứ dùng để chơi game thì không tốt lắm.

Ở trên là những loại phổ biến nhất thường gặp. Ngoài ra Cherry cũng có những loại switch như Cherry MX Green Switch cũng phát ra tiếng click nhưng cần lực nhấn mạnh tương đương Black Switch. Hay Switch mới nhất là Cherry MX Speed Silver với cải tiến về quãng đường di chuyển, switch này chỉ cần 1.2mm là có để phát được tín hiệu rồi nên tạo được sự khác biệt rõ ràng khi sử dụng.

Xem thêm >> Switch bàn phím cơ là gì? Các loại Switch phổ biến nhất 2023

Ở đây mới chỉ là Switch của hãng Cherry thôi, còn một số hãng khác thích chơi trội nên tạo ra Switch riêng cho mình chẳng hạn như Razer Switch của Razer, Romer-G của Logitech. Ngoài ra có khá nhiều loại bàn phím cơ độc đáo nhưng kiếm đỏ con mắt luôn cũng không có vì Việt Nam không có nơi phân phối. Nhưng vẫn có một số loại switch lạ mà bạn phải tìm những nhà sản xuất bàn phím độc lạ mới may ra có như Topre Switch, Buckling Spring Switch…

Anti-ghosting

Bạn sẽ thường thấy các bàn phím hiện nay hay nhiều nhất là các bàn phím chơi game đều có quảng cáo là Anti-ghosting, vậy nó là gì. Anti-ghosting theo ý của các nhà sản xuất nói là số phím mà người sử dụng có thể bấm cùng một lúc, và máy tính có thể nhận được tất cả của những phím được bấm cùng một lúc. Nhưng thực chất từ chính xác thì phải là X-Key Rollover, trong đó X là số phím có thể nhấn được cùng một lúc mà máy tính vẫn nhận được tính hiệu của từng phím. Anti-ghosting thường ám chỉ một số lượng phím hoặc một cụm phím nhất định mà thôi, nên nhiều khi bàn phím có quảng cáo là Anti-ghosting rõ ràng nhưng một số phím vẫn không để bấm được cùng một lúc. Ngoài ra còn một công nghệ cao cấp hơn nữa đó là N-Key Rollover có nghĩa là tất cả các phím trên bàn phím có thể được nhấn cùng một lúc mà máy tính vẫn nhận được tín hiệu của từng phím được nhấn, nhưng tiếc là công nghệ này chỉ phát huy được khi bạn kết nối bàn phím qua cổng PS/2 mà thôi, chứ nếu bạn kết nối bằng USB thì chỉ tối đa được 6-Key Rollover (phím bình thường) và 4-Key Rollover (modifier key như Alt Ctrl hay Shift…). Tuy nhiên một số nhà sản xuất khi bán bàn phím có công nghệ N-Key Rollover thì có kèm theo một đầu chuyển từ USB qua PS/2 để bạn tận dụng được chức năng. Có 2 hãng sử dụng công nghệ N-Key Rollover qua cổng USB đó là Ducky và Corsair.

Quay lại với định nghĩa đúng của Anti-ghosting, từ này ý nói hiện tượng một phím thứ ba sẽ tự động nhấn khi bạn đang nhấn cùng lúc 2 phím khác không liên quan, ví dụ như bạn bấm A và B cùng một lúc nhưng lại có thêm chữ C từ đâu hiện ra, đây là hiện tượng rất hiếm xảy ra ở những bàn phím cũ mà thôi.

Chất liệu
Về phần chất liệu thì không có gì quan trọng lắm vì quanh đi quẩn lại cũng có 2 loại nhựa chính đó là PBT và ABS mà thôi. Về đặc điểm thì nhựa PBT sẽ cứng và chắc, nhưng lại giòn khi va chạm mạnh. Còn ABS thì hơi “dẻo” hơn và chịu được va đập, nhưng bề mặt sẽ trở nên bóng khi sử dụng lâu, và bị ố vàng khi tiếp xúc nhiều với tia cực tím. Cả bàn phím và phím đều có thể làm bằng các loại nhựa khác nhau, chỉ là tùy nhà sản xuất muốn thế nào thôi.

Keycap
Phần quan trọng nhất của bàn phím. Bề mặt keycap là nơi in ký tự, còn bên dưới là phần tiếp xúc với cao su (bàn phím membrane) hoặc với switch (bàn phím cơ). Đối với những người chơi bàn phím cơ thì mới quan trọng về keycap, còn những ai sử dụng bàn phím membrane thì không nên quan tâm làm gì cho mệt. Những người sử dụng bàn phím cơ sẽ thường quan tâm chất liệu – cách thức in ký tự – profile của keycap. Chất liệu thì chủ yếu có PBT và ABS là nhiều, còn cách in ký tự thì có nhiều cách từ doubleshot – pad printing cho tới khắc laser. Profile của keycap thì ảnh hưởng tới kích thước của keycap, ở mục này thì chỉ những ai thích chơi keycap và thay đổi keycap thường xuyên thì mới quan trọng.

Nói thêm về profile một chút thì đó là một trong 2 yếu tố quyết định kiểu dáng của keycap. Profile là yếu tố thứ nhất quyết định kích thước của keycap, đó là chiều cao, và độ nghiêng của bề mặt keycap so với bàn phím. Yếu tố thứ 2 là layout của keycap, không phải bàn phím nào cũng giống nhau nên layout là yếu tố phân loại cách sắp đặt của keycap trên bàn phím, nó cũng ảnh hưởng tới kích thước và hình dáng của một số phím đặc biệt như Enter hay Shift. Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về keycap ở đây.

Độ trễ
Bàn phím cũng có độ trễ (latency) nhất định. Cũng giống như chuột, bàn phím cũng có tần số thu thập thông tin gọi là Polling Rate và được tính bằng Hertz (Hz). Tần số càng cao thì tốc độ gửi thông tin sẽ càng nhanh. Tuy nhiên Polling Rate cũng không phải quan trọng lắm, vì căn bản bàn phím đã có độ trễ mặc định rồi, độ trễ đó chính là khoảng thời gian mà người sử dụng nhấn – quá trình lên và xuống của phím – quá trình đóng mạch của bản mạch. Thứ nhất là độ trễ của người sử dụng, bạn cũng phải mất thời gian để nhấn và nhả ra, nên phần lớn là phụ thuộc vào tốc độ bấm của bạn. Thứ hai là khoảng thời gian đi lên và xuống của phím, phím sẽ khi hoàn thành xong chu kỳ lên xuống. Thứ ba là độ trễ về phần cứng, như đã nói ở trên thì cả 2 loại bàn phím phải đóng kín mạch ở phím được bấm thì mới gửi tín hiệu được, cho nên cho dù bạn sử dụng loại bàn phím nào thì cũng phải mất khoảng thời gian ngắn (~5ms) để đóng kín mạch. Về phần này thì bạn cũng không cần quan tâm nhiều vì hiện giờ thì bàn phím nào cũng có Polling Rate 1000Hz, chỉ có những bàn phím cổ đại mới có Polling Rate thấp hơn.

Tham khảo thêm sản phẩm bàn phím cơ tốt nhất tại Phong Cách Xanh >> Bàn phím cơ CHERRY Xtrfy K5V2 Compact RGB – 65%