Tính công thái học của một sản phẩm là mức độ tương thích giữa nhu cầu thoải mái của người dùng và cấu trúc của sản phẩm. Trong các thiết bị văn phòng, đặc biệt là thiết bị công nghệ, yếu tố này là cực kỳ quan trọng vì hầu hết chúng ta đang dành hơn 8 tiếng mỗi ngày để làm việc.
Trong phạm vi bài này mình sẽ giải thích lý do tại sao công thái học văn phòng lại quan trọng đến vậy và các chi tiết nào giúp nâng cao tính công thái học cho các thiết bị công nghệ văn phòng. Có thể bạn vẫn luôn biết và cố gắng theo đuổi đặc tính này nhưng đâu đó biết đâu vẫn còn đang thiếu.
Công thái học văn phòng là gì?
Công thái học là khoa học nghiên cứu và thiết kế ra các sản phẩm phục vụ con người dựa trên mối tương quan giữa sự phù hợp lý tưởng và hiệu năng sản phẩm. Một thiết bị có tính công thái học kém không những làm giảm năng suất làm việc đáng kể, tiêu tốn nhiều thời gian hơn mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của người dùng.
Các biểu hiện rõ nhất của một nhân viên không được trang bị đầy đủ các thiết bị văn phòng có tính công thái học cao là:
- Đau, ngứa ran hoặc tê ở bàn tay.
- Sưng, cứng khớp, đau hoặc khó chịu ở phần vai, gáy, cổ, lưng
- Chuột rút thường xuyên hoặc các hiện tượng co thắt cơ
- Gặp vấn đề với thị lực
- Khám sức khỏe cho thấy đang gặp triệu chứng rối loạn cơ xương liên quan đến công việc WRMSD.
Các triệu chứng này có thể biểu hiện ở nhiều cấp độ nặng nhẹ khác nhau. Và khi tự mình cảm nhận sức khỏe đang có vấn đề, đó là lúc bạn cần lên tiếng để cải thiện môi trường làm việc của chính mình.
Vậy thì tiếp theo mình sẽ cùng tìm hiểu các yếu tố nào tạo nên công thái học văn phòng, để tự trang bị cho mình những vật dụng cần thiết hoặc lên tiếng để cùng nhau xây dựng một mội trường làm việc khỏe mạnh hơn hiện tại.
Góc làm việc như thế nào gọi là đạt chuẩn công thái học?
Khi có đầy đủ các thiết bị hỗ trợ văn phòng, đặc biệt là thiết bị công nghệ, có thiết kế công thái học + cách sắp xếp layout các thiết bị này một cách khoa học thông minh. Có được kết hợp này mình sẽ có một góc làm việc đạt chuẩn công thái học.
Các thiết bị văn phòng đòi hỏi tính công thái học đặc biệt cao bao gồm: ghế ngồi, bàn làm việc, màn hình (giá đỡ màn hình), bàn phím và chuột.
Giờ mình cùng tìm hiểu xem các thành phần này đóng vai trò quan trọng như thế nào trong một góc văn phòng chuẩn mực nhé.
1/ Ghế công thái học văn phòng
Hầu hết các ghế văn phòng hiện tại đều là dạng ghế văn phòng truyền thống. Các ghế này có màu sắc, kiểu dáng đa dạng nhưng tựu trung đều bị một nhược điểm chung là tính linh hoạt kém, tính phù hợp cũng không cao, không hỗ trợ nhiều thế ngồi đặc biệt là với trend làm việc nhóm, hay đa màn hình như hiện nay thì quả thực nó không đáp ứng được.
Cho nên lý tưởng nhất, không nên dùng ghế văn phòng cổ điển, mà bạn nên dùng một hệ thống ghế mới có tên gọi là Ghế công thái học văn phòng. Vd như trong hình bên dưới và link này.
TÍNH NĂNG QUAN TRỌNG CỦA MỘT GHẾ CÔNG THÁI HỌC VĂN PHÒNG | |
---|---|
Tính năng | Mục đích |
Có thể điều chỉnh phần lưng ghế | Tính năng này cực kỳ quan trọng. Việc điều chỉnh phần lưng ghế giúp ghế công thái học luôn ở tình trạng hỗ trợ tốt nhất cho mọi tư thế ngồi làm việc của người dùng. Qua đó bảo vệ phần lưng hiệu quả và an toàn. |
Chi tiết hỗ trợ thắt lưng | Có tác dụng hỗ trợ phần lưng dưới. Lưng người có đặc điểm là phần sóng lưng lõm vào trong. Nên để ôm theo và hỗ trợ đúng chuẩn, một chiếc ghế công thái học văn phòng sẽ phải có thiết kế hỗ trợ thắt lưng dạng uốn cong, luôn luôn có một phần thiết kế cong nhẹ đẩy thắt lưng về trước để giữ ở vị trí thẳng hàng với cả lưng. |
Phần kê tay có thể điều chỉnh | Phần này cho phép người dùng luôn giữ cánh tay và cổ tay ở những khoảnh khắc không gõ máy vẫn luôn trong tư thế chuẩn nhất, thư giãn, nhẹ nhàng và khuỷu tay cong một góc 90 độ. Các thiết kế ghế công thái học luôn có phần kê cổ tay có thể điều chỉnh để phù hợp với các kiểu bàn làm việc, tư thế ngồi và nhiều vóc dáng khác nhau. |
Độ cao tùy chỉnh | Không phải ai cũng có kích thước và hình dáng giống nhau nên việc một chiếc ghế văn phòng hoàn hảo có khả năng điều chỉnh độ cao là bắt buộc. Vị trí ngồi thích hợp nhất là co đầu gối 90 độ và song song với hông, phần đùi song song với sàn và hai bàn chân đặt phẳng trên mặt sàn. Cánh tay phải có cùng độ cao với bàn làm việc.
Ghế quá cao sẽ gây áp lực lên vùng sau đầu gối, cản trở lưu thông máu. Nếu quá thấp, đầu gối sẽ cao hơn hông làm trọng lượng cơ thể dồn về phía sau gây áp lực toàn bộ khung xương. Đường nào cũng không tốt cả. Một số người để giảm bớt mỏi mệt có thói quen ngồi làm việc hơi ngả về sau một chút. Tư thế này có thể mang lại thoái mái trong ngắn hạn, nhưng về lâu sẽ không tốt cho phần xương chậu và hệ xương đùi. |
Lòng sâu của ghế cũng tùy chỉnh được | Đây là khả năng trượt về sau và trước của ghế công thái học văn phòng. Ghế quá dài người dùng sẽ tự có xu hướng ngồi chúi về trước gây căng thẳng cho phần lưng và chân. Luôn giữ cho có một khoảng cách dù nhỏ giữa mép ghế và đầu gối, giúp chân ổn định vị trí và lưu thông máu thuận lợi. |
Hỗ trợ đệm kê đầu tùy chỉnh | Ghế công thái học văn phòng đúng chuẩn luôn có khả năng hỗ trợ cổ và vai hiệu quả, giúp tránh các tình trạng tê vai, cứng cổ khi ngồi làm việc quá lâu. |
Phần đệm và các chất liệu thoải mái | Toàn bộ chất liệu của ghế công thái học mềm mại, thoáng khí, có độ đàn hồi co dãn tốt nhưng vẫn luôn đảm bảo tính chắc chắn và hiệu quả nâng đỡ cần thiết. |
Có khả năng xoay, gập, nghiêng nhiều góc độ | Phần bánh xe và cấu tạo đặc biệt ở các phần chống đỡ lưng, thắt lưng giúp cho ghế công thái học văn phòng luôn hỗ trợ người dùng tốt nhất trong mọi tư thế ngồi làm việc, dù là xoay chuyển, nghiêng người, ngả về sau hay chúi về trước để đọc số liệu. Trong khi các ghế văn phòng truyền thống thì đa phần không làm được điều này. |
Vài chiếc hình để tóm tắt lại những ưu điểm của ghế công thái học so với ghế văn phòng đơn thuần.
2/ Bàn làm việc công thái học
Bàn làm việc hiện đại không chỉ duy nhất ở chế độ ngồi thụ động như trước mà đã mở rộng khái niệm sang nhiều kiểu ngồi và cả tư thế đứng làm việc. Đó cũng là một trong những tiêu chí đầu tiên của một chiếc bàn chuẩn công thái học: tính linh hoạt cao và đa năng. Thế hệ bàn hiện đại này được gọi là “sit-stand” table.
Vì sao xuất hiện loại bàn công thái học này? Lý do đầu tiên và duy nhất là vì tư thế ngồi trong thời gian dài thật sự không tốt cho sức khỏe. Ai có dùng thiết bị công nghệ hay làm việc văn phòng nhiều đều biết đến một trong những lời khuyên kinh điển của các thương hiệu nổi tiếng là: cứ nửa tiếng một lần hãy đứng dậy, đi lại trong văn phòng để cơ thể được thư giãn, các mạch máu lưu thông và hiệu suất làm việc tốt hơn. Lời khuyên này có lý do đằng sau hết. Ngồi lâu, đặc biệt ở một tư thế duy nhất, có nguy cơ bị các chứng bệnh văn phòng sau:
- Béo phì (nhất là vùng bụng, đùi, và các phần mỡ khó tan tập trung ở dưới cánh tay, hông, bụng trên bụng dưới)
- Tiểu đường loại 2 (do ít hoặc không vận động, trong khi các hoạt động trí não luôn đánh lừa cơ thể bằng cảm giác đói liên tục, nên đâm ra thèm ăn tinh bột, đường nhưng lại không có cơ hội đốt cháy lượng carb không lành mạnh này, lâu ngày tích tụ dẫn đến hoạt động của isuline kém, dẫn tới tiểu đường).
- Trĩ, đây là một căn bệnh văn phòng không hiếm gặp nhưng lại rất ít được đề cập vì tế nhị. Trĩ nhẹ có thể gây ngứa ngáy khó chịu vùng kín, còn nặng hơn có thể gây ra các biến chứng khôn lường, đặc biệt khi về già.
- Tăng huyết áp
- Chấn thương cơ xương, khớp như đau lưng, đau vai, gáy, cổ, đau nhức cổ tay do các hoạt động có tính lặp lại (RSI). Đây là căn bệnh văn phòng thường gặp nhất và cũng nguy hiểm nhất nhì. Vì nó diễn ra từ từ, mỗi ngày một chút và người gặp phải các triệu chứng này thường khó hoặc không nhận ra cho đến một ngày bệnh diễn biến thành các hệ lụy thì lúc đó đã không thể quay trở về tình trạng ban đầu được nữa dù có tích cực thay đổi môi trường cách thức làm việc.
Thế hệ bàn sit-stand ra đời để giúp người làm việc văn phòng hạn chế và ngăn ngừa được nhiều trong số các loại bệnh trên. Chỉ với một nút bấm, có thể chuyển từ thế ngồi sang đứng và ngược lại để không giữ một tư thế nào quá lâu. Đồng thời có khả năng tùy chỉnh độ cao tương ứng để màn hình luôn ở đúng tầm mắt và vị trí các thiết bị ngoại vi khác cũng được tự động thay đổi theo để phù hợp với mỗi lần thay đổi tư thế ngồi-đứng.
Lưu ý quan trọng khi dùng bàn sit-stand công thái học là tần suất thay đổi vị trí làm việc (ngồi hoặc đứng) nên từ 30-60 phút một lần, có thể thay đổi ngắn dài chút ít theo thể trạng và yêu cầu công việc. Tránh thay đổi quá đột ngột vì sự gián đoạn hay bất ngờ trong tư thế có thể dẫn đến căng cơ hoặc căng thẳng không mong muốn, nhất là với người có các bệnh liên quan đến tim mạch và thiếu máu, loãng xương.
3/ Các loại giá đỡ, tay đỡ và đồ đựng nói chung (Monitor arm / laptop stand / CPU stand/ document holder)
3.1/ MONITOR ARM – GIÁ ĐỠ MÀN HÌNH
Tay đỡ màn hình đúng như tên gọi dùng để làm giá nâng đỡ màn hình làm việc. Công dụng chính là tạo ra độ cao và độ nghiêng vừa phải, hợp lý cho mỗi người và mỗi vị trí đặt màn hình khác nhau. từ đó người dùng có thể có được tư thế ngồi làm việc thoải mái lành mạnh nhất, cụ thể là lưng thẳng, không khòm hay co rút, vai ngang, tầm mắt ngang với màn hình, không cao không thấp hơn, ngực ưỡn về trước, hay cánh tay song song nhau và tạo thành góc vuông lý tưởng khi thao tác trên máy tính.
Giá đỡ màn hình còn có một tác dụng rất nhân văn là giúp cho giao tiếp, truyền tải và trao đổi thông tin giữa các cộng sự diễn ra dễ dàng, trực quan và nhanh chóng hơn. Và thêm nữa có thể giúp tiết kiệm không gian trên mặt bàn làm việc. tạo thêm nhiều khoảng trống cho bàn phím, bàn di chuột và các dụng cụ văn phòng hỗ trợ khác.
3.2/ LAPTOP STAND: GIÁ ĐỠ LAPTOP
Trong thế giới phẳng, công việc văn phòng gần như gắn liền với tính di động của các thiết bị, mỗi thứ đồ dùng đi kèm trên bàn làm việc đều phải thỏa tiêu chí “cùng bạn đi muôn nơi”. Nên không ngoại trừ bộ PC, giờ đây đã được thay thế rất nhiều bởi laptop.
Nhưng laptop cũng mang lại khá nhiều sự bất cập về tính công thái học. Mãi tới nay người ta vẫn còn luôn tranh cãi về cán cân hiệu quả linh hoạt vs khuyết điểm về mặt sức khỏe mà laptop mang lại. Nói gì thì nói, laptop vẫn là lựa chọn của rất rất nhiều người. Và khi chưa tìm được một giải pháp cụ thể nào đặc biệt mang tính cách mạng trong thiết kế của mỗi chiếc laptop, thì tạm thời lời khuyên là nên dùng kèm một chiếc giá đỡ laptop: laptop stand.
Tầm mắt là thứ chúng ta không thể đánh đổi. Dù là dùng PC hay laptop thì màn hình luôn phải ngang với tầm mắt, khoảng cách giữa máy tính và bàn phím cũng cần được cải thiện để các thao tác gõ phím diễn ra đúng quy trình và đúng quy cách. Lúc này giá đỡ laptop sẽ giúp chúng ta tạm thời giải quyết được hai vấn đề then chốt trên.
Dùng laptop stand còn mang tới một lợi ích nữa là: tiết kiệm không gian làm việc, và có thể kết hợp dùng với một chiếc bàn phím cơ công thái học đúng nghĩa ngon lành (vì bàn phím của laptop đa phần đều là phím màng, bấm xuống hết chiều cao phím mới có tác dụng, lâu ngày sẽ gây mỏi).
Hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ thật sự được nhìn thấy những chiếc laptop công thái học thật sự, đúng nghĩa.
3.3/ CPU SUPPORT HAY CÒN GỌI LÀ CPU HOLDER
PC là công cụ hỗ trợ công việc chính ở các văn phòng, nhưng không phải ở đâu cũng có đủ không gian cho các bộ phận quan trọng của PC như CPU, thậm chí có nhiều nơi nhân viên làm việc trên bàn, còn CPU lại nằm trực tiếp trên sàn văn phòng.
Một giá đỡ CPU là công cụ cần thiết để vừa đảm bảo tính khoa học khi layout góc làm việc, vừa duy trì độ bền chất lượng của máy móc, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động.
Công cụ CPU holder giúp giữ PC ở vị trí phù hợp nhất, để giữ cho cơ chế tản nhiệt hoạt động tốt, đồng thời không ảnh hưởng đến bố trí khác trên bàn, và giữ cho vị trí để chân đúng thoải mái nhất có thể.
CPU holder có hai dạng chính: một là dạng table mounted (hình trên) nghĩa là được gắn vào mặt dưới hoặc mặt bên hông của bàn làm việc. Kiểu holder này giúp CPU đứng vững, không bị xê dịch nhưng khi cần đổi sang bàn làm việc khác lại khá khó khăn. Kiểu thứ hai là movable wheel, holder có dạng giá đỡ và phía dưới có các bánh xe. Hệ thống giá đỡ này có thể đặt ở bất kỳ đâu, bên trải, phải, trong ngoài hoặc một khoảng khá xa so với bàn làm việc đều được. Ưu điểm là dễ di chuyển, lắp đặt dễ dàng. Nhược điểm là độ vững và gắn kết chặt với bàn không nhiều bằng loại trên.
Dù cho là dạng nào thì một CPU holder chuẩn mực cần đạt các yêu cầu sau:
- Vững chắc và với chất liệu an toàn để đảm bảo chịu được sức nặng của CPU
- Có cấu tạo thông minh giúp phần dây nhợ được giấu kỹ ở một góc hoặc mặt sau để không vướng víu khi làm việc
- Thông thoáng để không cản trở tản nhiệt của CPU
- Không chiếm quá nhiều không gian để không ảnh hưởng đến vị trí để chân khi làm việc
3.5/ DỤNG CỤ GIỮ TÀI LIỆU: DOCUMENT HOLDER
Cùng nguyên tắc sắp đặt như màn hình máy tính, các dụng cụ giữ tài liệu nên ở ngang tầm mắt, sao cho lấy ra, nhìn tên, đọc qua tóm tắt ở phần gáy tập tài liệu luôn dễ dàng nhanh chóng và hạn chế tối thiểu các động tác ngoái đâu, rướn người, xoay vai, hoặc thậm chí là cúi rạp người tìm kiếm.
4/ Bàn phím công thái học
Bàn phím văn phòng công thái học thường được khuyên dùng là bàn phím cơ không dây, yên tĩnh, kích cỡ tenkeyless không có cụm phím số bên phải. Vì các tiêu chí đặt ra cho các bàn phím cơ thiết kế thông minh dùng cho người làm việc thường xuyên là: nhỏ gọn nhưng đầy đủ các phím cần thiết, không tạo ra âm thanh lớn để không làm xao nhãng sự tập trung của người dùng nhưng khi bấm phím xuống vẫn phải có độ nhạy phím chuẩn xác để bản thân người đang dùng cảm nhận được rõ ràng từng ký tự, hạn chế gõ nhầm. Bàn phím cơ văn phòng cũng yêu cầu phải mỏng vừa phải, đủ để trụ vững trên mặt bàn, có chân để tạo độ nghiêng phù hợp với mỗi người, và khi cần di chuyển vào phòng họp hay đi công tác cũng có tính linh động cao không quá rườm rà nặng nề.
Một trong những lưu ý quan trọng khi chọn bàn phím cơ văn phòng là: tránh các thiết kế cầu kỳ, rườm rà, nhiều góc cạnh. Các kiểu dáng này dù cho có bắt mắt tới mấy thì khi đặt lên bàn làm việc, trông thật lảng què. Chưa kể sẽ chiếm rất nhiều không gian, thậm chí không còn đủ chỗ cho bàn di chuột.
Và cũng không nên chọn bàn phím RGB triệu màu. Chức năng đèn đóm nhiều màu sắc hấp dẫn này có thể rất thú vị khi gaming nhưng khi làm việc văn phòng, bạn sẽ cần tập trung tuyệt đối, nhất là trong những giao dịch quan trọng. Cho nên màu sắc chi chít quá nhiều chắc chắn sẽ làm bạn phân tâm. Nếu có lỡ thích kiểu bàn phím cơ có đèn thì chỉ nên chọn đèn LED đơn sắc với rất ít các tùy chình về độ sáng và hiệu ứng.
Bảng phân loại các dòng bàn phím công thái học văn phòng được khuyên dùng hiện nay:
KIỂU BÀN PHÍM | TÍNH NĂNG |
---|---|
Split keyboard
|
Bàn phím dạng tách rời giúp người dùng linh hoạt vị trí bấm, vị trí bàn tay, cổ tay và phù hợp hơn với nhiều kích cỡ vai khác nhau. Vì vậy thoải mái hơn và có tính công thái học cao. Split keyboard có các dạng nhỏ sau:
|
Contoured keyboard
|
Bàn phím có đường viền rộng thường sẽ được sắp xếp lại các cụm phím để:
Mục đích chung là giảm thiểu phạm vi di chuyển tránh tình trạng căng thẳng cho các ngón tay và cổ tay. Nhược điểm: kích thước cồng kềnh và thường phải tốn thời gian để làm quen với kiểu layout mới. |
Handheld keyboard
|
Đúng như tên gọi, bàn phím handheld được dùng tương tự như một bộ điều khiển trò chơi, nghĩa là có thể thoải mái di chuyển, cầm trên tay hoặc đặt trên bàn làm việc đều tiện dụng. Kiểu bàn phím này rất phù hợp như một cặp đôi với sit-stand- table, giúp người dùng linh động chọn các tư thế ngồi/ đứng làm việc khác nhau.
Nhược điểm: là thường không phải bàn phím cơ, và có layout hơi khác biệt nên cũng phải tốn thời gian để làm quen. |
Mini keyboard
|
Mục đích của các mini keyboard dạng này là giảm thiểu khoảng cách di chuyển giữa các ngón tay và giảm tối đa khoảng cách giữa bàn phím và chuột giúp cho quá trình làm việc ít các hoạt động lặp đi lặp lại, tránh tê tay và căng thẳng các cơ. Nhược điểm là kích thước nhỏ nên đôi khi khó bấm phím và thường không phải là bàn phím cơ. Kiểu bàn phím này cũng không phù hợp với công việc thiết kế, edit phim ảnh, hay các công việc văn phòng đòi hỏi đầy đủ các ký tự, số và phím chức năng. |
Mechanical keyboard
|
Bàn phím cơ không đơn thuần là một chủng loại, mà là một dòng bàn phím rất chung và bao quát. Trên thế giới chỉ có 3 loại: bàn phím màng, bàn phím cơ và bàn phím laser. Trong đó bàn phím cơ được khuyên dùng nhiều nhất cho làm việc và gaming. Vì đặc tính nổi trội về cảm giác bấm do các switch cơ học bên dưới từng phím mang lại, cho độ nẩy cao, độ nhạy phím tốt, độ cao vừa phải, độ chính xác và tốc độ bấm cải thiện rõ rệt so với các bàn phím khác. |
Tuyệt vời nhất là có thể kết hợp được bàn phím cơ và các kiểu công thái học kể trên, ví dụ dòng bàn phím công thái học với thiết kế hai phần tách rời nhau. Các bàn phím dạng này có khi là phím màng, có khi là phím cơ, nhưng đa phần đều thiết kế theo nguyên tắc: hai phần tách nhau riêng, giảm áp lực nhiều nhất cho đôi bàn tay và đồng thời cũng có thể điều chỉnh độ rộng/ dang xa của hai phần để hợp với từng vóc dáng người và độ rộng của vai.
Một dạng bàn phím văn phòng công thái học khác là có hình dạng đặc biệt hơn so với bình thường, trên mặt bàn phím có các khu vực kèm độ lồi lõm được tính toán trước để giảm áp lực cho đôi tay đồng thời hỗ trợ bấm phím lướt ký tự nhanh hơn.
5/ Chuột máy tính công thái học
Thường chuột máy tính dùng trong văn phòng có tính công thái học cao sẽ gồm hai trường phái: một là có thiết kế hiền lành cổ điển, hai là có thiết kế chuột dọc hoặc chuột có con cuộn ngang, hơi lạ một chút, tốn thời gian làm quen nhưng khi quen rồi thì chẳng muốn rời.
- Với chuột công thái học có thiết kế cổ điển: giống như nhiều mẫu chuột khác, nhưng mang trong mình sức mạnh tiểm ẩn vô cùng lớn và hàng loạt những tính năng đặc biệt mà các dòng chuột trung bình không có được. Và cả thiết kế, trông thì đơn giản thậm chí là hơi đơn điệu một chút nhưng từ chất liệu cho tới các đường nét chi tiết đều được chọn lọc, nghiên cứu và thiết kế rất tỉ mỉ, không có điểm thừa và hầu như có khả năng hỗ trợ cổ tay, bàn tay một cách âm thầm nhưng cực kỳ hiệu quả (điển hình là chuột Realforce, Logitech MX Anywhere 3, Razer Pro Click…)
- Với chuột công thái học có thiết kế lạ như Logitech MX Ergo hay Logitech MX Master 3, Logitech Vertical, các kiểu Trackball thì mât chừng 1 tuần để quen hết cách dùng, và một khi dùng rồi thì không muốn chuyển sang con nào khác nữa. Vì đa phần chúng đều có hình dáng rất kỳ lạ, nhưng khi cầm áp vào tay là dính chặt lấy như tri kỷ từ lâu, từng đường nét, góc cạnh đều có dụng ý cao, ôm lấy đôi tay và nâng đỡ cổ tay cực kỳ hiệu quả, thấy liền sự khác biệt chỉ sau vài ngày dùng. Thêm nữa các chuột này cũng có đầy đủ các tính năng từ cơ bản tới nâng cao, thậm chí độ nhạy, độ tương thích, khả năng đa kết nối không thua kém bất kỳ chuột văn phòng cổ điển cao cấp này.
Tổng hợp các tính năng cần thiết của chuột văn phòng công thái học
LOẠI CHUỘT | CHỨC NĂNG |
---|---|
Chuột công thái học chuyên dụng
|
Chuột công thái học văn phòng tiêu chuẩn là loại mà các nhân viên văn phòng thường dùng nhất. Trong đó có nhiều dòng khác nhau tùy theo giá tiền và mục đích sử dụng. Đặc điểm chung của dòng chuột này là có thiết kế thân thiện, dễ hiểu, dễ dùng, số lượng nút vừa phải không quá nhiều và phức tạp. Thiết kế đa phần truyền thống, cổ điển và tuân theo các quy tắc chung về kiểu đáng, điểm cong, điểm lồi, độ gồ ở lòng bàn tay và các đường viền xung quanh. Thiết kế chuẩn mực cao cấp còn có thể phù hợp với cả người dùng tay trái và tay phải.
Ưu điểm lớn của dòng chuột này là tính phổ biến, dễ dùng và hầu như không tốn chút thời gian nào để làm quen vì đã quá đại chúng. Nhược điểm là chưa có nhiều dấu ấn về thiết kế và có thể không quá phù hợp với các công việc đặc biệt. |
Vertical mouse
|
Chuột dọc được thiết kế nhằm mục đích thay đổi tư thế cổ điển của người dùng chuột, cách dùng chuyển từ xoay ngón tay sang gập qua vai. Nhờ đó tạo tư thế thoải mái tự nhiên hơn khi làm việc. Nhược điểm của loại chuột này đa phần đắt tiền, tốn khá thời gian để làm quen. |
Roll-bar mouse
|
Loại chuột này thường nằm phía trước bàn phím và không cần phải với tay để thực hiện các thao tác trên chuột như bình thường. Và đa phần có đi kèm với phần đệm cổ tay êm ái. Nhược điểm là hơi khó dùng lúc đầu và có thể hơi không phù hợp với những công việc đòi hỏi khoảng không gian di chuột rộng như duyệt biểu đồ, duyệt trang văn bản dài. |
Trackball mouse
|
Chuột trackball có hình dạng giống chuột công thái học văn phòng căn bản ở trên nhưng viên bi lăn đặc biệt to và chiếm diện tích lớn trên tổng thể chuột. Giúp cho quá trình lăn chuột trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn bao giờ hết. Qua đó giảm thiểu các khoảng cách khi dùng chuột và các hoạt động có tính lặp lại. Nhược điểm là thường khá to, kiểu dáng khó thanh mảnh được như dòng chuột công thái học căn bản và tốn thời gian để làm quen. |
Cách sắp xếp các thiết bị trong góc văn phòng công thái học
Nếu đã may mắn có được tất cả các thiết bị vật dụng mang tính công thái học kể trên thì việc tiếp theo để set up một góc làm việc lý tưởng chính là sắp xếp các thiết bị ấy lại với nhau một cách thông minh và khoa học.
Cách đặt để ghế văn phòng công thái học
Độ cao yêu cầu là khi ngồi lên hẳn mặt ghế, thì chân vẫn chạm đất đầy đủ không ngón gót. Khoảng cách từ ghế đến mí bàn làm việc là 1/2 cánh tay ở vị trí vuông góc với bàn. Phần hỗ trợ cổ, đệm lưng cần áp sát vào các bộ phận tương ứng của cơ thể.
Ghế công thái học chuẩn thì không nhất thiết phải ngồi một vị trí duy nhất, có thể tùy nghi thay đổi tư thế ngồi trong suốt quá trình làm việc mà vẫn an tâm là các phần cơ thể quan trọng luôn được nâng đỡ tốt.
Bàn làm việc công thái học đặt sao cho khoa học nhất?
Bàn làm việc đặt sao cho vẫn có không gian cho đầu gối, đùi và bàn chân thật sự thoải mái, rộng rãi. Tùy chỉnh độ cao bàn hoặc thay đổi tư thế ngồi/ đứng sao cho tầm nhìn của màn hình và chiều cao của bàn phím phù hợp.
Còn màn hình thì nên đặt ở vị trí nào?
Màn hình làm việc (dù là một màn hình hay đa màn hình) thì cũng phải trong tầm nhìn trực tiếp của người dùng.
- Nếu dùng một màn hình: Màn hình cách người dùng một khoảng 20-30 inch, phần trên cùng của màn hình phải bằng hoặc thấp hơn tầm mắt một chút. Màn hình nên đặt nghiêng một góc 10-20 độ và đặt ở vị trí tránh ánh sáng chói. Nhất là đối diện với cửa sổ không được che chắn rèm, vì bóng của các thành phần sau lưng bạn sẽ phản chiếu lên màn hình khiến việc nhìn các hình ảnh thông tin trên màn hình bị hạn chế.
- Nếu dùng cùng lúc nhiều màn hình: nguyên tắc đặt để chung của từng màn hình vẫn như trên, và tổng thể các màn hình sẽ được xếp theo dạng hình chữ V hoặc nửa hình thang, trong đó người dùng ngồi ở trung tâm cách đều khoảng cách tới các màn hình
Bàn phím và chuột nên để thế nào cho đúng?
Nên đặt bàn phím sao cho phần khuỷu tay và cánh tay càng gần hai bên càng tốt. Cánh tay cần bằng hoặc thấp hơn 90 độ một chút.
- Chiều cao—cao hơn đùi 1-2 inch. Và nếu có thể hãy dùng kèm một khay để bàn phím để tiện việc dịch chuyển ra vào.
- Độ nghiêng—nên đặt bàn phím nghiêng về phía xa một chút so với vị trí ngồi để các cánh tay thoải mái hơn khi gõ phím.
- Vị trí—nếu có thể lời khuyên là nên đặt chuột và bàn phím cách nhau một khoảng bằng vai để thoải mái di chuyển.
Bàn phím và chuột cần gần với nhau nhưng cũng xa vừa phải, lý tưởng nhất là bằng chiều ngang vai để hạn chế tốt nhất khoảng cách di chuyển khi làm việc. Cả bàn phím và chuột cần đặt trên một mặt phẳng hạn chế gồ ghề và độ dốc kỳ lạ. Khi làm việc nhấp chuột hãy cố gắng tập thói quen giữ cổ tay thẳng và cánh tay gần với hai bên.
CHÚC CẢ NHÀ HAPPY WORKING HEALTHY WORKING.