Đánh giá Realforce R2 RGB

Những chiếc bàn phím cơ đầu tiên tui xài, như những con Filco chẳng hạn, nó luôn cho cảm giác hoài cổ về những ngày đầu tiên dùng máy vi tính khi còn gõ trên những loại bàn phím to dày, hoặc hơn hết là cho tui cảm giác như một nhà văn ngồi gõ lách cách những bản thảo của mình thâu đêm. Một thời gian dài xài Filco, thỉnh thoảng cũng xài một vài hãng khác như Leopold, Ducky… Tui đã đinh ninh thế giới bàn phím cơ là như vậy, cho tới khi lần đầu tiên lướt tay trên bàn phím của Topre.

Lần đầu tiên chạm vào loại bàn phím này tui đoán rằng ai cũng sẽ có một chút bất ngờ vì bề ngoài một thứ có vẻ cộc cằn như vầy lại mang một cảm giác gõ vô cùng mềm mại, uyển chuyển. Tui nghĩ người ta thích gõ những bàn phím cơ hơn những bàn phím thông thường là vì khi gõ vào bàn phím cơ nó không chỉ là một công cụ nhập liệu, âm thanh của bàn phím, cảm giác gõ đặc trưng làm chúng như có thể “đối thoại” hay “trò chuyện” với người dùng nó, như một người bạn. Với Topre, nàng như một cô gái bề ngoài lạnh lùng, khó gần, nhưng khi đã chạm vào thì sự mềm mại đó sẽ khó mà khước từ.

Đủ “màu” để đi giải cứu thế giới

Lần này tui mang về nhà Realforce R2 RGB, vì sao là RGB mà không phải là một chiếc bàn phím chân phương thì cũng không phải giải thích nhiều, bạn đang đọc bài trên một website về game. Tui chơi game nên mặc dù ban ngày khi làm việc có thể tắt đèn phím đi, nhưng ban đêm khi vợ con đã đi ngủ thì phải full màu, lấp lánh, như một cậu trai bước vào phi thuyền và ngồi trước phòng điều khiển của anh ta. Chiếc bàn phím chỉ khi có thể đổi màu theo đúng tâm trạng, đúng tinh thần của “cuộc chiến” ngày hôm đó thì mới đúng là một trung tâm điều khiển đích thực. Thực sự “làm màu” gần như là điều đầu tiên tui làm mỗi khi dùng một bàn phím mới: Mang về cắm vào PC, tải phần mềm của hãng, rồi bắt đầu ngồi chọn màu, lên mạng lấy cảm hứng, có đợt nghiện chơi Overwatch tui ngồi làm ra những profile màu sắc đúng với tông màu của hero đó, tui ngồi làm Lucio profile, Mercy profile, nó mất thời gian cứ như ngồi tạo nhân vật mỗi khi bắt đầu một game, mất cả buổi chiều là chuyện bình thuờng.

Là một con tenkeyless không phím số nên kích thước con này khá gọn gàng và nó gần như là một trong những tiêu chí hàng đầu mỗi khi tui chọn mua bàn phím, vì tui không chỉ dùng nó như một thứ cố định đặt trên bàn quanh năm suốt tháng. Kể từ khi có gia đình và thường xuyên di chuyển tui đã không còn dùng máy để bàn mà chuyển sang dùng laptop. Mặc dù tính cơ động cao, nhưng có một thứ laptop không thể nào thay thế được đó là trải nghiệm bàn phím, nên dù cũng khá oải nhưng trong balo của tui luôn có một bàn phím cơ và chỉ có bàn phím tenkeyless mới có thể để vừa vặn trong đó được. Trước khi mua để chắc ăn tui luôn mang balo theo, bỏ vào thử thấy êm ái rồi thì mới yên tâm mà vác về. Em Realforce này vừa vặn, không chỉ vậy nó còn cứng cáp.

Bây giờ hãy nói về switch Topre, kể từ lần đầu tiên chạm tay vào loại switch này tui đã luôn thích nó hơn dòng Cherry, cảm giác êm ái khi lướt trên những con phím cứ như đôi bàn tay mình được nâng niu chiều chuộng hết mức, nếu bạn là một người gõ bàn phím liên tục mỗi ngày bạn sẽ hiểu cảm giác mềm mại khi gõ trong một thời gian dài nó sẽ đỡ xì-trét cho đôi tay như thế nào. Cứ tưởng tượng  giống như những ngón tay của mình vừa lao động vừa được xoa bóp cùng một lúc, nói cũng không ngoa lắm đâu. Và nếu những thứ bạn gõ ra mang lại nhiều cảm xúc, kiểu như bạn là một nhà văn đêm về chỉ còn một mình bên chiếc bàn làm việc, ngồi dưới ánh đèn và viết về những kỷ niệm của chuyến đi Đà Lạt tuần trước, bạn sẽ muốn những cảm xúc ấy được viết ra giữa tiếng phím khe khẽ và êm ái, thực sự đã quen dùng một vài ngày rồi khó mà trở lại với một bàn phím thông thường được. Đó có thể là một trải nghiệm cá nhân của tui, nhưng tui thực sự khuyến kích bạn nên thử một lần trải nghiệm Topre, không thích lắm thì khả năng cao cũng… thích thích.

Trong dòng R2 này hãng cũng có hai tính năng quan trọng ở phần phím:

Thứ nhất là ACP cho phép tuỳ chỉnh độ nhạy của bàn phím ở ba mức 1,5mm – 2,2mm – 3mm, nếu là một người yêu bàn phím và chú trọng đến việc tối ưu hoá mọi thứ phục vụ cho nhu cầu của mình thì đây là một tính năng cực kỳ hay. Người dùng có thể điều chỉnh độ nhạy để tăng tốc độ gõ và hơn nữa có thể chỉnh độ nhạy riêng biệt cho mỗi phím, ví dụ bạn có thể chỉnh riêng cho các phím như Space hay Enter có độ nhạy cao hơn bình thuờng.

Thứ hai là người dùng hoàn toàn có thể thay dàn keycap Topre thành Cherry nếu muốn. Đây là một tính năng hay cho phép người dùng có toàn bộ tự do cần thiết để xây dựng một bàn phím trong mơ theo ý họ, xác Topre nhưng hồn Cherry, kiểu vậy, muốn sao cũng được. Mặc dù bản thân tui không có nhu cầu với chức năng này lắm bởi vì thật lòng tui quyết định mua một bàn phím Realforce thì 99% là vì switch Topre chứ không gì khác, bởi vì công bằng mà nói các bàn phím từ các hãng danh tiếng khác họ cũng hoàn thiện tốt, RGB tốt, phần mềm và khả năng tuỳ chỉnh tốt nên lý do tui chấp nhận mua một bàn phím với mức giá trung bình cao hơn các hãng khác thì nó chỉ vì switch Topre mà thôi. Tuy nhiên, có lựa chọn vẫn hơn là không.

Lý do mà trước khi mua một con Realforce tui vẫn xài (và tới giờ vẫn yêu) Filco hay Corsair, đầu tiên là vì mức giá. Với mức giá thường dao động 5.5 – 6.5tr đối với tui thời điểm đó là quá ngân sách, tui có thể mua một em Corsair chỉ vào tầm 4tr. Tiếp theo là nó phải là không-dây, một trong những tính năng rất quan trọng với một người hay mang bàn phím đi khắp nơi như tui, một bàn phím không dây nó không chỉ đơn giản hơn khi đặt lên bàn làm việc mỗi ngày, nó còn đơn giản hơn khi tối về ngồi ở phòng khách có thể vừa nằm vừa dùng bàn phím kết nối với màn hình lớn cách đó vài ba mét, hoặc đơn giản hơn ở cả những chi tiết nhỏ, ví dụ như mỗi lần bỏ bàn phím balo ít vướng víu hơn. Nên nếu nói về những điểm mà tui chưa thích ở Realforce R2 thì đó là mức giá cao, chưa có tính năng không-dây. Nếu là trước đây thì tui có thể đã đưa vào thêm một điểm yếu nữa là chưa cho phép tuỳ chỉnh chức năng shortcut nhưng mà sau này thực tế sử dụng, thực sự tui không cần tuỳ chỉnh nó mấy.

Dù là dân chơi game hay là dân writer, tui khá tự tin nó đều sẽ phù hợp với các bạn, mặc dù tốt nhất với một bàn phím giá trị như thế này thì cứ đến cửa hàng trải nghiệm 10 – 15 phút rồi hãy quyết định sẽ an toàn hơn. Game thủ thì không phải nói nhiều rồi, tui đã chơi thử nhiều game FPS trên bàn phím này và thực sự không có gì để phàn nàn, cảm giác phím cực tốt. Đối với writer, một số bạn sau này khi có tuổi hay dị ứng với chức năng RGB màu mè và gây mất tập trung, thực sự thì việc này không cần phải quá lo lắng, RGB cũng chỉ là một lựa chọn vì bạn hoàn toàn có thể tắt hẳn nó đi hoặc có thể dùng màu sáng nhẹ, cá nhân tui nhiều hôm chán không viết được cũng chuyển sang một số màu vàng nhẹ cũng là một cách tạo cảm giác mới. RGB có thể tắt/bật, nhưng bàn phím không có hệ thống đèn là một thiệt thòi, vì bạn sẽ khó khăn hơn trong việc gõ ban đêm.

Nếu quan tâm đến sản phẩm, các bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin ở đây nhé, và tui thấy nó thường xuyên hết hàng: