Trong một loạt bài trước đây, newsphongcachxanh đã kể với mọi người về Tác dụng của lót chuột, Phân loại lót chuột, Top các lót chuột tốt nhất năm. Nhưng vẫn chưa có hẳn một bài riêng về cách chọn lót chuột theo kích thước.
Lót chuột thì ai cũng biết là tiện và nên dùng rồi. Nhưng giữa rất nhiều cách phân loại, dẫn đến có rất nhiều loại lót chuột như hiện tại thì nên chọn kích cỡ nào cho phù hợp nhất? Đây chắc hẳn là thắc mắc của rất nhiều bạn. Nhất là ai đang cân nhắc chọn lựa chọn pad chuột chất lượng, dùng lâu dài và có giá tiền đáng kể.
Vì sao nên cân nhắc kỹ yếu tố KÍCH CỠ khi chọn lót chuột?
#1: Vì Chuột và lót chuột nếu không tương xứng về kích cỡ thì cực kỳ khó chịu
Lót chuột sinh ra dùng để lót-cho-chuột. Vì vậy tất nhiên lót phải tương xứng với chuột và tương xứng cả với mục đích chính của người dùng. Chuột cỡ to mà đi cùng lót chuột mini thì rất dễ trượt ra ngoài, rồi đang chơi bạn sẽ vẩy chuột cách nào.
Nhưng lót quá to thì lại có khi ảnh hưởng tới bàn phím làm bị kênh, chênh bàn phím cũng khó chịu không kém. Lót cực to, tràn bàn thì lại mất công vệ sinh các thứ thường xuyên hơn… Cái nào cũng có ưu và nhược điểm riêng. Nhưng quy tắc chung vẫn là chọn lót chuột có kích cỡ phù hợp với nhu cầu và loại chuột đang dùng. Chuột lớn mà lót nhỏ là đại kỵ.
#2: Lót chuột cỡ cực đại thì cũng tốt đó, nhưng còn tùy nhu cầu và sở thích nữa
Ở đây mình muốn nói tới loại to đại phủ hết cả mặt bàn (thường gọi là 3XL). Dùng một lót chuột này thì lót được cả bàn phím, cả chuột và để màn hình, rồi có khi là PC các thứ luôn. Nói chung nó là cái mặt bàn thứ hai để bạn thao tác mọi thứ trơn tru và đồng nhất với nhau.
Nhưng không phải ai cũng thích. Vì thứ nhất lót chuột cực đại như vầy sẽ che hết mặt bàn. Nhiều khi một chiếc bàn gỗ mộc đỉnh cao tốn biết nhiêu tiền để tậu về mà lại che hết tất tần tật thế này thì rất uổng. Hai là lót chuột to vầy làm sao mang theo đi đâu được. Nó đúng kiểu là chỉ dành cho dân thích chơi solo ngồi mình ên thưởng thức game làm việc tại nhà.
Thứ ba, vệ sinh nó cũng hơi mệt. Và lại còn phải thường làm vệ sinh hơn vì trên bàn đâu phải lúc nào chỉ có chuột, bàn phím và màn hình. Tiết diện phủ càng lớn thì độ bắt bụi càng cao. Như lót chuột mini thì chỉ cần mang đi phủi bụi, lau rẹt rẹt để gió cho khô là xong. Còn đây, mỗi lần vệ sinh thì phải qua nhiều công đoạn, tỉ mẩn hơn, thời gian để khô cũng lâu hơn.
Mới đây có một loại lót chuột mềm, cỡ đại, có thể giặt được bằng máy giặt của thương hiệu Glorious: Glorious Stitch Cloth 3XL có kích cỡ toàn bàn, dùng kê cả chuột và bàn phím, rất tiện cho chơi game, lại còn có thể vệ sinh bằng máy giặt trực tiếp không cần phải lau chùi cầu kỳ. Nhưng kể cả như vậy thì sự cồng kềnh vẫn là có thật.
#3: Vì kích cỡ không đúng, sẽ ảnh hưởng tới thẩm mỹ chung của bàn làm việc
Khấp khởm, không vừa vặn, lem nhem là cảm giác bạn sẽ có ngay khi mua về một chiếc lót chuột không hợp kích cỡ mà vẫn ráng đặt nó lên bàn. Ngại nhất là tình trạng dở dở ương ương. Vừa hơi quá to so với chuột, cấn cả vào bàn phím, nhưng lại chỉ che được có hơn nửa cái bàn. Layout bàn làm việc kém chỉn chu và thiếu ngăn nắp (dù đã rất cố gắng sắp xếp) là điều không ai muốn cả.
Có bao nhiêu kích cỡ lót chuột?
Kích cỡ lót chuột bao gồm Dài x Rộng x Dày. Mình sẽ tách ra hai loại để nói: một là về chiều dài rộng của miếng lót chuột, hai là về độ dày vì xét trong ảnh hưởng tới chức năng lót chuột, hai mảng này sẽ hơi khác nhau một chút.
Nói trước về kích cỡ Dài x Rộng
Để cho ngắn gọn thì các hãng thường phân loại các dòng lót chuột của mình theo kích cỡ S, M, L, XXL, 3XL… Các chữ cái đại diện kích thước này có thể khác tùy khái niệm của mỗi hãng. Ví dụ ở Glorious thì size XL tương đương với 430 x 380 x 4 mm, nhưng với pad Razer thì XL là 930 x 400 x 4 mm. Chọn cỡ nào thì tùy vào nhu cầu thực tế. Ví dụ mình chỉ cần lót đúng con chuột gọn gàng cho bàn làm việc nhỏ thì dùng cỡ nhỏ hoặc vừa là như 300 mm là được, còn nếu muốn lót cho cả bàn thì phải cỡ 1m-1m2 trở lên mới tiện dụng.
Thông tin này thì cũng rất dễ tìm chỉ cần search tên sản phẩm là ra ngay kích thước, luôn nằm trong mục thông số kỹ thuật của từng lót chuột. Còn nếu vẫn không chắc thì có thể hỏi trực tiếp người bán.
Nhìn chung có thể phân lót chuột thành 3 kích cỡ chính sau:
- Lót chuột được gọi là Nhỏ: khoảng 220 – 300mm: Dễ mang theo và không chiếm nhiều diện tích.
- Lót chuột trung bình khoảng 320 – 360 mm: phổ biến nhất, được ưa chuộng nhiều vì có kích thước vừa phải.
- Lót chuột khoảng 440mm trở lên: Thích hợp cho người yêu cầu di chuyển chuột trong khoảng cách xa.
- Lót chuột cực lớn: khoảng từ 800mm trở lên: thường được chọn để phủ toàn bàn làm việc, cho cả phím, chuột, kệ màn hình các thứ. Phù hợp cho các bạn thường xuyên ngồi nhà làm việc, muốn che phủ mặt bàn gập ghềnh không ưng ý hoặc muốn có độ đồng nhất cao giữa các món gear trên bàn.
Nguyên tắc chọn kích cỡ lót chuột phù hợp là hãy dựa vào Phạm vi thao tác và thói quen dùng chuột. Luôn đảm bảo chuột di chuyển dễ dàng, thoải mái và nằm gọn trong phạm vi miếng lót là được.
Khía cạnh còn lại của kích cỡ lót chuột: Bạn chọn lót chuột dày bao nhiêu là vừa?
Ngoài cân nhắc kích cỡ dài rộng của miếng lót chuột, bạn còn cần phải để ý tới một yếu tố cũng quan trọng không kém. Đó là độ dày của mouse pad. Nên chọn miếng lót có độ dày vừa phải, phù hợp với nhu cầu chơi game và công việc. Những tấm lót sẽ có độ dày dao động khoảng 0.5 – 6 mm, nhưng chính xác chọn bao nhiêu vừa tầm là còn phụ thuộc vào sở thích và nhu cầu riêng của mỗi người.
Cụ thể độ dày lót chuột có thể phân làm ba nhóm:
- Lót chuột dày: 3 – 6mm: Tạo sự êm ái, mượt mà nhưng khá dễ bám bụi.
- Lót chuột mỏng 1 – 2 mm: Di chuyển dễ dàng, nhỏ gọn nhưng gây cảm giác mỏi khi dùng lâu.
- Lót chuột siêu mỏng: dày khoảng 0.7mm trở xuống: thường được làm với chất liệu đặc biệt và độ mỏng chính là vũ khí đặc biệt của chúng. Thường nếu dạng siêu mỏng và chất liệu cứng thì sẽ luôn có phần gia cố phía dưới như keo dán để cố định trực tiếp vào mặt bàn.
Đôi khi có trường hợp dù bạn có muốn chọn lót dày hơn nhưng chất liệu làm ra loạt lót đó cũng chỉ có bấy nhiêu, không thể dày hơn được. Và sự mỏng tang kia cũng chính là đặc tính đặc biệt của miếng lót.
Như trường hợp lót chuột Glorious Air, có độ dày chỉ 0.5mm, có thể gọi là mỏng nhất hiện nay. Do Air được làm từ chất liệu polycarbonate cứng siêu mỏng có đế dạng dán, tạo ra bề mặt gần như không có ma sát rất tốt cho các hoạt động Speed của các game thủ.
Ai, chọn lót chuột kích cỡ bao nhiêu là hợp?
Vẫn là câu nói muôn thuở: mỗi người có lối đi riêng. Nhưng nếu để chọn theo chuẩn chung thường thấy thì sau đây là một vài gợi ý dành cho bạn:
- Làm việc văn phòng: thường cần lót chuột nhỏ gọn dễ mang theo. Độ dày có thể chọn trung bình dễ nhẹ nhàng. Không cần quá dày dễ nặng nề, cũng không cần quá mỏng để tăng tốc chuột siêu nhanh, Tất cả vừa tầm để làm việc là tốt nhất.
- Chơi game thì rất tùy. Nếu bạn thích trải nghiệm nhịp nhàng trơn tru không bao giờ bị trượt chuột thì nên chọn kiểu desk mat (lót chuột cực lớn phủ toàn mặt bàn). Nếu bạn muốn gọn gàng chỉ lót cho chuột thôi thì phải xem xét tới độ tương xứng kích cỡ chuột vs kích cỡ lót chuột và cả phong cách cầm chuột cùng thể loại game thường chơi.
- Nếu bạn có một con chuột siêu nhẹ DPI ngất ngưỡng thì nên chọn lót chuột cỡ XL trở lên để thoải mái di vẩy khắp nơi không giới hạn.
- Nếu bạn thích chơi các trò chơi cần độ chính xác khi di chuột, chuột được điều khiển nhỏ nhẹ, nhẹ nhàng, ít tung hứng, và luôn yêu cầu độ control cao, thì có thể chọn các tấm lót kích cỡ S, M hoặc L cho gọn gàng.
Hy vọng các thông tin trên đưa đến cho bạn vài gợi ý khi chọn kích cỡ phù hợp cho lót chuột. Nếu có kinh nghiệm nào thú vị hơn trong quá trình dùng mousepad, mời bạn chia sẻ tiếp tại comment bên dưới nhé.
Tham khảo thêm sản phẩm lót chuột tốt nhất tại Phong Cách Xanh >> Lót chuột Fnatic Gear FOCUS 3 (Control)