Cùng với bàn phím và chuột, tai nghe (over-ear) là món phụ kiện hầu như không thế thiếu với dân chơi game. Tai nghe không chỉ là một chiếc-tai-nghe bình thường như đại đa số vẫn nghĩ, đơn thuần dùng để nghe cho hay, đeo cho đẹp hoặc giữ sự riêng tư khi dùng PC. Mà với anh em chúng ta thì nó còn là tuyệt chiêu lắng nghe âm thanh của kẻ thù và làm thăng hoa những cao trào trong các trận đấu.
Nhưng đó là chuyện của những tai nghe đủ chuẩn, chất lượng và hiện đại.
Vậy mua tai nghe gaming chuẩn thì cần lưu ý những gì? Mình sẽ chia sẻ vài kinh nghiệm bản thân trong bài này.
1/ Phần củ tai
Tai nghe dù kết cấu khác thường hay hình dáng biến đổi ra sao, thì cuối cùng vẫn phải có phần “nghe” tốt. Và yếu tố quan trọng của phần “nghe” chính là phần đệm tai. Đây cũng thứ tiếp xúc trực tiếp với tai ta mỗi lần dùng, nên đệm tai tốt sẽ tạo cảm giác thoải mái nhiều.
1.1/ Chất liệu bên ngoài của đệm tai: Thường đệm tai của tai nghe gaming sẽ có 2 chất liệu: vài lưới và da nhân tạo. Vải lưới thì thoáng khí, nhưng cách âm không bằng da nhân tạo, và ngược lại.
1.2/ Chất liệu bên trong của đệm tai: đây là phần chất liệu bên trong lớp bọc, đa phần là cao su mềm. Mỗi loại cao su với tỉ lệ pha trộn khác nhau sẽ tạo ra độ êm khác nhau cho mỗi đệm tai. Cái này bạn cần đeo thử trong vòng chừng 10 phút mới cảm nhận chính xác được. Phần này nên đủ dày và đủ cứng cáp để tai không bị cấn vào các driver bên trong, nhưng cũng phải đủ mềm mại và không quá dày cơm để phân bổ lực cho toàn vành tai, và giữ cho tai không bị đau khi dùng lâu.
1.3/ Kích thước của củ tai: mỗi người có đôi tai khác nhau, các bạn nên đeo thử để thật sự biết kích thước của củ tai trên tai nghe có vừa vặn với mình không. Tương tự ở trên, nếu củ tai quá hẹp sẽ làm tai bít bùng, khó chịu và mệt khi dùng. Còn nếu quá rộng sẽ làm âm thanh bị loãng không còn chi tiết nữa.
1.4/ Khớp xoay của củ tai: bộ phận này tuy nhỏ nhưng làm đúng sẽ rất lợi hại, đặc biệt mấy anh có thói quen đeo vào cởi ra liên tục. Khớp là kết nối giữa củ tai và phần gọng tai nghe, có vai trò giúp cố định và tạo độ linh hoạt cho củ tai, đồng thời giúp đệm củ tai áp sát vào vành tai người dùng. Với các mẫu tai nghe có khớp củ tai góc rộng (thậm chí có khi lên tới 100 độ), bạn sẽ xoay ngược xuôi thoải mái, gập gọn vào cổ khi nghỉ xả hơi và gập gọn vào gọng khi không dùng nữa cũng được.
Nhưng đổi lại các khớp nối linh hoạt này làm cho ta cảm giác tai nghe hơi bị rời rạc và lỏng lẻo, mặc dù sự thật không phải vậy. Lỏng thật sự hay không còn tùy vào chất lượng tổng thể của tai nghe.
2/ Phần phía trên của tai nghe
Phần trên tai nghe nói chung là phần vòng qua đầu giúp cố định tai nghe ở khu vực phía trên. Nó gồm hai phần: gọng tay và đệm đầu.
Một số tai nghe có phần đệm đầu liền với phần gọng tai nghe. Và một số khác lại dính liền. Thiết kế tách rời sẽ giúp việc phân bổ khối lượng tai nghe đồng đều, đeo vào thoải mái hơn nhưng trông lại cồng kềnh một chút. Còn thiết kế dạng dính liền thì nhìn tai nghe tổng thể sẽ thanh tao nhỏ nhắn và trọng lượng cũng nhẹ hơn, nhưng bù lại cảm giác nặng đầu và nặng sẽ thường đi kèm với nhau khi dùng lâu.
2.1/ Gọng tai: thường được làm từ nhựa hay kim loại. Kim loại thì bền chắc hơn nhưng cũng nặng hơn nhiều, Nhựa thì không bền bỉ bằng nhưng được cái nhẹ và dễ tạo màu, nhìn cũng thanh thoát hơn.
2.2/ Đệm đầu: với các tai nghe hiện đại, thường chất liệu trong ngoài của đệm đầu được làm giống như đệm ở phần củ tai để tạo sự đồng bộ và cảm giác thoải mái khi dùng. Phần này thì không có tiêu chí chọn nào, các bạn đeo thử thấy vừa vặn, ôm đầu là được.
3/ Phần mềm điều khiển tai nghe
Với người dùng bình thường thì đa phần đều cảm thấy phần mềm đi kèm khá phiền phức và không có nhu cầu dùng tới. Nhưng với gamer chuyên nghiệp thì đây là yêu cầu không thể thiếu với các tai nghe chuyên dụng. Đó là lý do mà các hãng gear lớn như Razer, Corsari, Logitech, SteelSeries đều có phần mềm đi kèm cho các tai nghe của mình.
Một phần mềm tốt cần thỏa các tiêu chí sau:
- Thân thiện, dễ dùng, giao diện trực quan dễ hiểu
- Tinh chỉnh được tới mức sâu nhất của các chi tiết âm thanh
- Có khả năng đồng bộ hóa với các gear khác cùng hãng có cùng phần mềm
- Có những hỗ trợ đặc biệt cho từng loại game cụ thể
- Cò cả phần tinh chỉnh đèn đóm (nếu tai nghe có đèn)

Nhưng đây là nhu cầu của mấy anh chơi game chuyên nghiệp còn nếu chỉ chơi game trong nhà, sương sương thì chỉ cần phần mềm đơn giản dễ dùng và hiệu quả là được, không cần phải quá chi tiết sâu bên trong.
Có một khái niệm liên quan tới phần mềm tai nghe mà mình thấy nhiều anh em cũng khá quan tâm: đó là hệ thống giả lập. Nhưng theo mình thì không nên quá quan trọng phần này. Tai nghe nào thì cũng chỉ có 2 driver và dù hệ thống giả lập theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào đi nữa thì chỉ mang lại cảm giác hoành tráng là chính chứ không thật sự làm thay đổi hiệu quả của tai nghe đó.
4/ Phần Mic của tai nghe
Mình xếp phần này cuối cùng vì một số tai nghe gaming có thể có hoặc không tích hợp mic. Mấy anh chơi game chuyên nghiệp đặc biệt kiểu game có các màn PvP kinh động thì hay thích dùng Mic rời hơn là Mic có sẵn trong headphone. Còn dân chơi tầm tầm thì thích 2 trong 1 hơn để gọn bàn, tiện lợi và tiết kiệm hơn.
Thật ra có nhiều công nghệ được đồn đoán dùng cho Mic của headphone mỗi hãng. Nhưng khi chọn anh em không cần quá lưu tâm đến tên công nghệ đâu, mà chỉ cần test thử chung với một người khác nữa và nhờ họ nói vào tai nghe xem thử ở phía bên kia bạn nhận được chất lượng âm thanh thế nào. Mic tốt là âm thanh đầu ra phải trong, rõ, không có tạp âm và thiết kế không vướng víu khi đeo headphone.

Một số headphone thiết kế phần mic có thể bẻ qua bẻ lại, loại này rất tiện khi dùng nhưng giá cũng sẽ nhỉnh hơn một chút. Một số khác lại có phần mic dính liền cố định một vị trí duy nhất, theo mình là hơi bất tiện một chút, nhưng đổi lại âm thanh được cho là tốt hơn.
5/ Tai nghe có dây hay không dây
Tương tự như chuột và bàn phím, đây là câu hỏi muôn thuở của người mua. Tai nghe có dây không có độ trễ, nhưng vướng víu. Tai nghe không dây gọn gàng, đổi lại sẽ có độ trễ nhất định tùy vào công nghệ kết nối.

Nói thật là nếu không chơi game thi đấu này nọ thì việc tai nghe trễ vài chục ms không mang tới sự khó chịu hay bất lợi nào đáng kể. Cho nên tùy vào nhu cầu mà lựa chọn thôi, quan trọng là cảm nhận của bạn như thế nào khi chơi những trò mình hay chơi, còn thì quảng cáo chỉ mang tính chất tượng trưng là chính.
6/ Chọn tai nghe chống ồn chủ động hay thụ động
Đây được xem là một xu hướng mới của các tai nghe hiện đại. Mình có viết một bài về chủ đề này, anh em có thể xem chi tiết tại đây. Đại khái:
- Chống ồn bị động PNC: giống như khi dùng một nút bị lỗ tai để giảm ồn vậy. Ý tưởng chung là tạo ra một rào cản vật lý giữa tai chúng ta và âm thanh từ bên ngoài. Tai nghe khử tiếng ồn thụ động không có chứa các thiết bị điện tử khử nhiễu âm. Thay vào đó, chúng giúp giảm tiếng một cách thụ động bằng việc che phủ kín tai để ngăn chặn tiếng ồn bên ngoài với các chất liệu phù hợp. Nếu muốn dùng tai nghe chống ồn thụ động đơn thuần thì quan trọng nhất là tìm ra một chiếc in-ear hợp vừa vặn với cấu trúc tai của mình.

- Chống ồn chủ động ANC: Bên trong cấu tạo của phần chụp tai nghe sẽ có các linh kiện điện tử được tích hợp sẵn công nghệ chống ồn chủ động. Chúng sẽ tạo ra tần sóng khử nhiễu có dao động hoàn toàn trái ngược với tiếng ồn thu nhận được từ xung quanh (được mic ghi lại). Và từ đó triệt tiêu nhau, kết quả là loại bỏ được các tạp âm gây nhiễu không mong muốn này, một cách vô hại và không làm ảnh hưởng gì tới thính lực của người dùng. ANC là công nghệ cao cấp và phức tạp hơn, vì vậy các tai nghe sở hữu tính năng này đều có giá thành cao hơn headphone thường. Tai nghe khử tiếng ồn chủ động cần pin. Chúng cũng có chất lượng âm thanh khá tốt.
5/ Mục đích dùng của tai nghe là gì
Và yếu tố cuối cùng quyết định lựa chọn mua tai nghe nào, theo mình cũng là yếu tố quan trọng nhất mà bạn nên đưa lên trên cùng thay vì dưới đây ^_^. Chính là: mình mua tai nghe dùng cho việc gì?
1/ Nếu dùng tai nghe để chơi game và voice chat trong không gian có nhiều tiếng ồn: nên chọn loại tai nghe nhẹ, đệm tai thoáng mát, khả năng chống ồn tốt, mic lọc nhiễu tốt
2/ Nếu phải mang tai nghe đi nhiều nơi, kết nối với nhiều thiết bị khác nhau thì nên dùng loại không dây, thiết kế gọn nhẹ, các bộ phận có khả năng linh hoạt cao để xếp gọn vào trong balo và đảm bảo kết nối được mọi thú dù cùi bắp tới đâu (vd máy tính không có Bluetooth chẳng hạn)
3/ Dùng tai nghe để nghe nhạc hoặc chơi game chiến đấu với cường độ âm thanh lớn, trong không gian kín, riêng tư: nên tìm mua các tai nghe có dải bass lớn, cách âm thụ động hay bị động đều được, chi tiết âm cao và rõ ràng.
4/ Nếu làm các công việc đặc biệt liên quan tới âm nhạc, âm thanh và không giản xung quanh yên tĩnh như studio, phòng thu: cần tìm một tai nghe chống ồn thụ động thật xịn với chất âm tốt, chi tiết và trung thực.
Mà cuối cùng thì bạn vẫn nên đến tận nơi để nghe và dùng thử, trong môi trường giống với môi trường mình sẽ dùng sau này nhất thì mới biết được tai nghe có thật sự hợp hay không? Tai nghe quan trọng vẫn là hợp và nghe tốt.
P/s: ngoài các tai nghe có hình trong bài thì anh em có thể tham khảo thêm link này để có thêm nhiều lựa chọn hấp dẫn.
Chúc mọi người sớm tìm được món gear ưng bụng nhất cho mình.