Ai cũng có sở thích hay tiêu chuẩn riêng khi chọn mua gaming gear. Nhiều người thích cái này, nhiều người thích cái kia nhưng đa số đều có một tiêu chuẩn chung nhất định – tui cũng vậy. Sử dụng cũng khá nhiều gear, tui đã đúc kết được một số tiêu chuẩn khi chọn mua gear, có thể không đồng nhất với một số vì đây là ý kiến cá nhân, nhưng chắc chắn sẽ giúp bạn lựa chọn gear dễ dàng hơn mà không phải đi thăm dò ý kiến người khác quá nhiều – đặc biệt là những ai mới hoặc sắp mua gear lần đầu tiên.
Chuột
Trên thị trường, khi nhắc tới “gaming mouse” là sẽ có hàng chục ngàn sản phẩm sẵn sàng… “đè chết” bạn nếu bạn không nắm rõ những thứ cơ bản. Tệ hơn là vớ phải một con chuột lòe loẹt xài được 1 tuần rồi hư. Vì vậy khi chọn chuột, vấn đề đầu tiên mà bạn phải luôn luôn cân nhắc đó là tên tuổi nhà sản xuất. Những nhà sản xuất sẽ luôn bảo đảm chất lượng cho bạn khi chọn mua gaming gear (ở đây là chuột) đó là:
- Logitech
- Corsair
- Roccat
- SteelSeries
- Razer
- Zowie
- Mionix
- Ozone
Một số người có thể nói giá của những hãng này hơi cao, và có những hãng khác cũng chất lượng không kém. Nhưng đó là nói ở góc nhìn khi bạn không có điều kiện nhiều, chứ nếu trong trường hợp bạn có thể lựa chọn giữa một trong những hãng nổi tiếng và hãng mà bạn nói giá rẻ hơn thì bạn sẽ chọn cái nào – tất nhiên là không ai chọn hãng thứ 2 rồi. Vả lại hiện nay các hãng nổi tiếng cũng đã quan tâm nhiều hơn với phân khúc thấp, giá cả rất là mềm mà bạn chỉ để dành tiền khoảng 2-3 tuần hay cao lắm 1 tháng là đã có thể mua được rồi. Lúc đầu tui cũng mua một con chuột của một hãng là E-Blue, khá rẻ nhưng lại rất bền (cũng tại xài kỹ), nhưng sau này được tiếp cận với những hãng xịn hơn thì tư tưởng khi chọn mua gear thay đổi – chi thêm vài trăm để mua một con chuột từ một hãng có danh tiếng để được chất lượng và độ bền, sao lại không nhỉ?!
Ngoài ra cũng có một số hãng sản xuất chuột nữa, nhưng đến từ những hãng làm phần cứng như MSI và Tt-Esport, nhưng thật sự chất lượng của nó không không đáng để bạn chi tiền. Họ cố gắng tạo nên sự khác biệt trong sản phẩm để rồi lạc trôi ở đâu đó trong thị trường chuột chơi game, cố quá là quá cố là vậy đó.
Thứ quan trọng nhất là cảm giác khi bạn cầm chuột, form chuột có tạo cho bạn sự thoải mái hay không. Đó cũng phụ thuộc vào sở thích và cách cầm chuột của bạn như thế nào, như claw, fingertip hay palm. Như tui thì chỉ quen cầm claw và fingertip mà thôi, vì hay thao tác nhanh và không muốn gò bó ở cách cầm, cũng có lúc cầm palm như chỉ khoảng vài phút sau là chuyển thành claw hay fingertip hồi nào không hay. Bạn cũng cần xác định sở thích và cách cầm chuột của mình thế nào để chọn cho chính xác. Cách chính xác nhất là ra những chỗ bán gear, ở đó sẽ có chuột mẫu cho bạn cầm thử. Trường hợp không có thì bạn có thể tìm trên youtube, ở đó sẽ có review này nọ để bạn nhắm chừng được.
M1 M2 cũng quan trọng, đây là 2 nút chính của chuột, lúc trước tui không coi trọng ở khoảng này vì sử dụng những con có độ cứng trung bình. Cho tới khi click thử con G102 của Logitech thì thích luôn vì click rất nhẹ mà rất nảy, đó cũng là lúc tui ưu tiên M1 và M2 hơn là form. Mặc dù form chuột có cầm có thích cỡ nào đi nữa mà click của M1 M2 cứng hay cảm giác không đã thì cũng loại. Nên bây giờ nếu có chọn chuột, tui cũng cầm thử để coi form có thoải mái không, rồi click thử M1 M2, nhưng nếu M1 M2 click không đã thì tui cũng không chọn chuột đó mặc dù form tốt, thay vào đó tui chọn một con M1 M2 click đã hơn cho dù form của nó không hẳn là ôm tay.
Lót chuột
Tiêu chuẩn chọn lót chuột của tui không có gì quá phức tạp, chỉ lướt êm giá cả phải chăng là được rồi. Nhưng tất nhiên tui cũng chọn từ những hãng sản xuất gear để cho cảm giác sử dụng tốt nhất, chứ không mua những loại rẻ tiền để chữa cháy. Hồi đó cũng từng mua loại Razer nhái với giá 15 ngàn cho tới 20 ngàn. Sau này có điều kiện thì tui mua một cái Cougar Speed 2, giá rất phải chăng mà lại chất lượng nữa, tới nay vẫn còn xài tốt.
Lót chuột là món tui nghĩ là nên tiết kiệm nhất, không nhất thiết phải chi quá nhiều tiền vào nó, chỉ cần khoảng từ 200.000 cho tới 600.000 là được rồi. Ngoài ra tui cũng tránh mấy mẫu lót chuột in hình này nọ, vì rất dễ dơ, hơn nữa sử dụng lâu sẽ thấy nó mau cũ hơn những loại không in hình. Chỉ cần mượt, rê chuột êm là được rồi, vì vậy mà mấy loại lót chuột khoảng tầm giá 400.000 rất dễ lọt vào mắt xanh của tui, nhưng hiện giờ có một cái Cougar Speed 2 với Logitech G240 rồi chắc không cần thêm nữa.
Lót chuột thì tui cũng chọn theo những hãng có tiếng, nhưng chỉ có một số hãng là tui thấy thích là:
- Logitech
- Steel Series
Tai nghe
Tiêu chí lựa tai nghe đầu tiên là độ thoải mái khi đeo, đây là kinh nghiệm quý báu mà tui đúc kết được sau mấy năm chơi net. Đeo qua nhiều tai nghe nhưng thật sự không có cái nào tạo được sự thoải mái tuyệt đối. Cho dù âm thanh có hay cỡ nào mà đeo bị đau tai thì cũng cho ra rìa, để cảm nhận được độ thoải mái thì cũng khó nhất là không có điều kiện đeo thử, nhưng nếu bạn có tìm mua thì cũng nên ra những chỗ bán gear để thử trước như chọn mua chuột vậy.
Nhiều người thì chọn tai nghe theo kiểu dáng, nhưng thực chất bạn chọn mua tai nghe chơi game mà chọn theo mẫu mã thì giống như chọn đồ ăn ngon theo cách trình bày vậy. Thực tế hơn thì tai nghe chơi game là sử dụng cá nhân, vả lại bạn chỉ thường ngồi chơi một mình – không ai có thời gian và cũng hiếm khi ngồi đánh giá tai nghe của bạn qua hình dáng bên ngoài.
Tui không có nhu cầu quá cao về âm thanh nên cũng không phân biệt được sự khác biệt nhiều giữa những loại tai nghe cao cấp, nhưng khi nghe một tai nghe dỏm và xịn thì biết. Vả lại tui cũng đang xài Kingston HyperX Cloud Core rồi nên cũng không muốn đổi qua cái khác, đơn giản là vì cái này đeo quá thoải mái, và âm thanh lại tốt, kiểu dáng không có gì quá đặc biệt nhưng đủ tạo ấn tượng (tui cũng không phải người trọng hình thức đặc biệt là đối với tai nghe, nên không quan tâm).
Nếu chọn một tai nghe hãng khác thì có thể hơi khó vì “trót yêu Kingston” rồi. Nhưng tui cũng có thử qua những hãng khác và thấy tai nghe rất ok như:
- SteelSeries
- Corsair
Bàn phím
Bàn phím thì tất nhiên là tui sẽ chọn bàn phím cơ (ai chả vậy, nói hơi thừa), nhưng phải là Cherry switch. Hồi đó đi chơi net thì tui thích Red Switch vì nó nhanh và không có gờ khi ấn xuống, nhưng khi gõ qua Brown thì tui lại thích hơn – từ đó tui cũng mê Brown luôn và cảm thấy Red nó quá đơn điệu. Cũng do nhu cầu chính là anh hùng bàn phím – gõ chữ khá nhiều nên Brown cho cảm giác gõ rất đã, mỗi phím khi gõ xuống vừa phát ra tiếng đã tai vừa có một cảm giác “cơ khí”.
Ngoài ra điểm nhấn của bàn phím cơ là chất liệu nhựa của keycap, tui chỉ thích nhựa ABS mà thôi. Mặc dù thiên hạ thường đồn đại là nhựa ABS xài lâu sẽ bị bóng lên, thực tế sau một thời gian thì tui cũng thấy nó bóng, cũng tại thói quen hay lấy tay miết miết lên keycap cho đỡ buồn. Nhưng ngược lại âm thanh phát ra từ nhựa ABS khi gõ chạm đáy nghe rất đã, rất giòn và trong, còn nhựa PBT thì nghe tiếng đục hơn và cảm giác “bụp bụp”, bù lại PBT không bị bóng, với lại cũng không bị ngả vàng khi keycap có màu trắng.
Tui cũng thích bàn phím có LED, nhìn cho nó đỡ chán một chút. Ducky One tui đang xài không hề có mác gaming gì hết, chỉ có LED mà thôi. Tui cũng không ham mấy bàn phím gaming mấy, hồi đó thì hay mua mấy loại gaming cao su rẻ, nhưng bây giờ thì tiêu chí là có LED + switch Cherry với từ mấy hãng có tiếng như:
- Ducky
- Cooler Master
- Corsair
Cũng có mấy hãng khác sản xuất bàn phím cơ như Razer và Logitech nhưng tui không thích. Razer thì xài switch Kailh, còn Logitech thì Romer-G, cảm giác bấm không đã bằng Cherry. Nhưng dù sao đó cũng là lựa chọn cho những ai muốn một cái gì đó khác khác.
Ở trên chỉ là ý kiến cá nhân của tụi khi chọn gear, căn bản là bây giờ tui cũng có một bộ gear hoàn chỉnh rồi và không có gì phải phàn nàn cả. Tuy không phải bao trùm hết tất cả mọi ý kiến nhưng có thể giúp ít được cho bạn phần nào khi chọn gear.