Khi chọn mua hai món gear chủ đạo cho mọi người dùng PC là bàn phím và chuột, chúng ta vẫn thường nghe các nhà sản xuất nói tới “Tuổi thọ bàn phím/ Tuổi thọ chuột” và đa phần đều được tính bằng đơn vị Triệu lần bấm. Nhưng bạn đã thật sự hiểu ý nghĩa đằng sau củ những con số này không? Và nếu tính ra thực tế dùng, thì triệu lần bấm tương đương với bao nhiêu năm tuổi?
Mỗi người đều có công việc riêng với những đòi hỏi về nhu cầu dùng máy và gõ ký tự khác nhau. Nên thật ra là không có bất cứ chuẩn mực nào cho việc bạn gõ bao nhiêu ký tự trong một ngày. Nhưng với tư cách một anh nam nhi hay viết lách chủ đề công nghệ, lâu lâu mình cũng tự tò mò thắc mắc. Không biết mình click chuột bao nhiêu lần trong ngày và không biết đã gõ bao nhiêu ký tự? Rồi với đà này thì bao lâu chuột và bàn phím của mình sẽ “chầu Trời”?
Mình đã tìm thử một vòng một vài phần mềm có thể đếm số lần gõ/ click trong ngày để tự tìm ra câu trả lời cho mình. Trong số các thứ mình xem qua thì WhatPulse có lẽ là dễ hiểu dễ dùng hơn cả. Anyway, dùng cái nào cũng được vì ngồi tính ra số năm tuổi của bàn phím và chuột mới là mục đích chính của mình, và cũng là của bài viết này.
À, có một lưu ý nhỏ. Anh em đừng đánh đồng tuổi thọ bàn phím với tuổi thọ switch nhé. Vì switch chỉ là một trong các thành phần quan trọng của bàn phím cơ. Switch hư thì chắc chắn bàn phím hư, nhưng bàn phím hư chưa chắc là do switch. Bản thân một chiếc bàn phím (cơ hay không cơ) thì đều có nhiều thành phần cấu tạo khác nhau. Cho nên tuổi thọ switch hoàn toàn khác với tuổi thọ bàn phím nha mọi người.
Kết quả đầu tiên mình làm là trên chiếc bàn phím cơ Filco đã thuộc hàng đồ cổ: Filco Majestouch Convertible 2 TKL này.
Tuy đã theo mình được mấy năm và Filco cũng là thương hiệu yêu thích của mình với màn bảo hành 5 năm đổi mới không đụng hàng, nhưng mình cũng có chút nghi hoặc không biết sắp tới lúc phải chia tay em nó hay chưa. Hồi đó lúc mới mua là dùng switch Blue. Dân viết lách không ngại tiếng ồn thì ai cũng biết switch Blue rồi, gõ đã tay nghe sướng tai cỡ nào. Và nghe đồn là tuổi thọ switch Blue Cherry MX là 50 triệu lần bấm.
Kết quả sau khi theo dõi hiện trạng dùng bàn phím trong vòng hơn một tuần của mình qua phần mềm cho thấy. Trong thời điểm không quá nhiều deadline và khách hàng dí, nghĩa là mình cứ viết tàn tàn, với thời lượng dùng và số lượng ký tự chắc cũng tương đương một anh làm việc văn phòng. Con số trung bình thu được là mình dùng 1.400 lần bấm phím trong một ngày (các phím bấm thường xuyên).
Nghĩa là với tuổi thọ 50 triệu lần bấm ở các switch Cherry MX Blue của bàn phím mình đang xài, thì phải tới 97 năm nó mới quá đát. Còn với switch Cherry Red hay Brown có tuổi thọ lên tới 100 triệu lần bấm thì một bàn phím cơ vốn đã chuẩn bên ngoài, chuẩn luôn kết cấu bên trong như Filco xài sương sương trong 195 năm.
Giờ chấp luôn deadline ầm ầm, làm báo, tiểu thuyết các thứ thì tạm tính sơ sơ cũng xài được trong vòng 50-100 năm. Tình cảnh người phím cả đời gắn bó với nhau là hoàn toàn có các bạn ạ 😂
Switch Cherry thì được cái chuẩn mực, bền, có gì nói đó và giá lại cao ^_^, nên mấy hãng stock keyboard dùng switch Cherry sẵn bên trong thì cũng toàn là mấy mẫu bàn phím “có số má” trên thị trường. Cả về chất lượng build lẫn hình thức và kết cấu trong ngoài thường là không có gì phải bàn nữa, vì đều từ chuẩn tốt trở lên thôi, tất nhiên với giá khá chát. Ví dụm em Filco nhà mình lâu quá không nhớ giá, nhưng hình như cũng tầm 3 chai. Còn mấy mẫu mới ra sau này như con Filco Minila-R đang làm mình chết mê chết mệt thì tới tận gần 4 chai. Nhưng đúng là tiền nào của đó anh em ạ. Trong đa phần các trường hợp stock keyboard dùng switch Cherry, anh em có thể tạm hiểu tương đương Tuổi thọ switch = tuổi thọ bàn phím cũng được. Vì chất lượng của mấy em này đa phần trong ngoài tương đương nhau.

Còn với các switch khác trên thị trường thì thế nào?
Ở trên là câu chuyện của switch Cherry. Còn với các switch khác như Gateron, Kailth, Outemu… tất cả đều là clones của Cherry thì mình chỉ có thể nói về tuổi thọ switch chứ không dám bàn tới tuổi thọ bàn phím.

Về nguyên tắc và lý thuyết, các hãng switch này cũng khá lớn và uy tín nên những gì mà họ niêm yết trên từng loại switch của mình cũng khá đáng tin. Nhưng đặc thù của các dòng switch clones này là giá rẻ hơn, thiết kế là sự sao chép cho nên thường được dùng cho các bàn phím có giá thành tiết kiệm hơn một chút hoặc nhiều chút so với bàn phím cơ dùng switch Cherry. Kéo theo việc chất lượng của bản thân các thành phần khác trên bàn phím luôn là một dấu hỏi. Cho nên nếu chỉ tính switch, thì các thương hiệu switch này có tuổi thọ không khác gì với switch Cherry mình vừa kể trên. Nhưng xét về tuổi thọ chung của toàn bàn phím thì cần xem kỹ các yếu tố khác như mạch PCB, Plate, Case, keycap, cable…
Và có những ngoại lệ tốt hơn mong đợi
Với một số dòng switch mới độc lạ hơn ví dụ switch quang học trên Razer Huntmans Elite dùng swich Opto-Razer do hãng tự làm ra, hoạt động trên cơ chế quang học được cho là mang lại cảm giác gõ mềm mượt và phản ứng nhanh hơn. Switch này có tuổi thọ 100 triệu lần bấm, tương đương với 195 năm, và đã được chứng minh hoàn toàn qua các thực nghiệm.
Hay như switch điện dung Topre của hãng Topre được dùng trên các bàn phím cổ điển độc đáo (Realforce, HKKB, Leopold) được cho là có tuổi thọ 30-50 triệu lần bấm nhưng theo report từ các kết quả gõ của robot hoặc phản hồi từ người dùng từ những ngày đầu tiên đã hơn hẳn con số trên lý thuyết.
Còn switch trên chuột máy tính thì sao?
Các chuột máy tính dù là để dùng làm việc bình thường hay chuyên gaming thì cũng có các nút bấm trái phải và giữa. Bên dưới các nút này cũng là các switch với tuổi thọ được đo bằng triệu lần bấm. Cũng theo kết quả từ phần mềm đếm trên, trung bình một ngày mình nhấp chuột 7985 lần. 95% trong số đó là nhấp chuột trái, nghĩa là tương đương với khoảng 7538 lần một ngày.
Mà nói chung thì xài một con chuột máy tính trong vòng 2-3 năm đã là nhiều chứ đừng nói tới 7 hay tận 10 năm. Đa phần tụi mình đều đã thay chuột mới vì quá chán trước khi nó thật sự hư.
Tất nhiên ở đây mình không bàn tới những tác nhân ngoại lai, gây ảnh hưởng tới tuổi thọ chung của bàn phím hay chuột. Ví dụ bụi bẩn, độ ẩm mọi trường, dùng và vệ sinh không đúng cách, bị dính nước, thức ăn… Và đúng là chúng ta hầu như không thể nào tránh khỏi các lỗi này khi dùng đồ công nghệ nói chung và gear nói riêng. Đây cũng là một yếu tố mà bạn không thể yêu cầu tuổi thọ của một món gear phải diễn ra đúng y chang như những con số đã đưa ra từ nhà cung cấp.
Mà ví dụ có đúng là bạn mang tới được một môi trường tuyệt đối sạch như trong các nhà máy, phòng thí nghiệm Omron (công ty sản xuất switch hàng đầu cho rất nhiều chuột máy tính hiện tại) thì liệu bạn có thọ tới tuổi thật của một chiếc switch/ bàn phím là tầm 100 năm hay không?
Nếu bỏ qua các yếu tố từ môi trường như kể trên thì có yếu tố nào có thể gây ảnh hưởng tới tuổi thọ của bàn phím và chuột nói chung?
Yếu tố đầu tiên tất nhiên là lực tác dụng lên bàn phím và chuột. Mỗi người có cách gõ phím và click chuột khác nhau, khác về tư thế cầm/ gõ lẫn độ nặng nhẹ của lực và chiều tác động của lực. Đa phần tùy vào thói quen, độ tuổi của người dùng, sức mạnh và tâm trạng của họ. Sáng nắng có thể gõ khác với chiều mưa. Và khi bạn nhấn một phím nhiều lần với một lực rất mạnh tất nhiên sẽ “có cơ hội” chầu trời nhiều hơn một phím được gõ nhiều lần nhưng với lực tác động nhẹ nhàng hơn.
Cho nên mới có tình trạng, cùng một model bàn phím/ chuột, cùng một mục đích dùng và thậm chí với tần suất dùng tương đương nhau, thiết bị của hai người dùng khác nhau sẽ có tuổi thọ hoàn toàn khác nhau.
Bí quyết chọn bàn phím cơ và chuột cho anh em hệ “ăn chắc mặc bền” như mình
Và một điều đã quá cũ nhưng mình vẫn muốn nhắc lại. Nếu bạn thật sự muốn tìm tới bàn phím hoặc chuột có tuổi thọ cao và thật sự bền thì nên lựa chọn một hoặc một vài trong các tiêu chí sau:
- Sản phẩm từ các thương hiệu lớn
- Các dòng bàn phím cổ điển chuyên cho viết lách và gõ phím chuyên dụng thường có tuổi thọ cao hơn.
- Nếu muốn chơi game hardcore thì nên dùng các bàn phím cơ và chuột dành riêng cho gaming, với các thiết kế và kết cấu đặc biệt nhằm kéo dài tuổi thọ thiết bị và chịu được những “trận đòn roi” của anh em trong những màn PvP không khoan nhượng.
- Nên dùng các bàn phím và chuột thiên về phần cứng nhiều hơn. Vì phần cứng là phần quyết định và không phụ thuộc vào các lần nâng cấp như phần mềm.
Giờ thì anh em đã biết về tuổi thọ và cách tính tương đương ra năm của các bàn phím cơ và chuột rồi. Chúng ta tự tin thôi nào, vì thời buổi bây giờ mà còn thương hiệu lớn nữa ít có khi nào ngủm củ tỏi được lắm. Chỉ có chúng ta là thay lòng đổi dạ trước thôi.