Chọn keycap độ dày nào là hợp lý?

Thay đổi, biến tấu với màu sắc, họa tiết, hình dạng của các phím là thú vui muôn thuở của dân chơi bàn phím cơ. Nhưng chỉ riêng việc lựa chọn keycap thế nào cho hợp lý đã là một vấn đề rất lớn mà nếu chưa tìm hiểu kỹ, mình có thể sẽ tiền mất mà phím thì vẫn không đổi được. Có rất nhiều yếu tố cần quan tâm với khi chọn mua keycap, như chọn profile phù hợp, chọn chất liệu tốt, kích cỡ đúng, chơi keycap lẻ hay bộ, xuyên LED hay không xuyên LED, tương thích với loại switch nào bên dưới… Trong đó có một yếu tố thường xuyên bị hờ hững, nhưng hóa ra lại đóng góp rất nhiều vào sự thay đổi cảm giác và âm thanh khi gõ phím: độ dày keycap.

Keycap là gì? Vì sao độ dày keycap lại quan trọng?

Keycap là một phần của bàn phím, là các phím ký tự và chức năng dùng dễ gõ, là phần giao tiếp trực tiếp giữa ngón tay và cơ chế hoạt động của bàn phím. Với các bàn phím cơ thì keycap chính là phần che các switch bên dưới, giúp gửi tín hiệu cần thiết để qua switch, máy tính sẽ nhận diện và hiển thị ký tự lên màn hình. Với bàn phím cơ, 99% keycaps đều có thể tháo rời ra khỏi bàn phím, tiện lợi cho việc vệ sinh và thay đổi keycap khi muốn.

Và vì tính linh hoạt cao, dễ tháo ráp và giúp bàn phím cơ thay đổi ngoại hình trong vòng vài nốt nhạc như vậy cho nên chơi keycap đã nhanh chóng trở thành thú vui và là phần không thể thiếu trong sự nghiệp custom keyboard của anh em mê phím cơ.

Hai mẫu keycap high-profile Filco, một thương hiệu bàn phím cơ từ Nhật

Trên thị trường có bao nhiêu mẫu bàn phím cơ thì bạn phải tưởng tượng là số lượng keycap còn nhiều hơn vậy gấp trăm, ngàn lần. Cho nên để tìm được một bộ keycap hoặc một chiếc keycap lẻ đúng ý cũng thật là chuyện không phải muốn là làm được liền. Ngoài tự thu thập một số kiến thức liên quan tới cấu tạo của bàn phím mình đang dùng, xem xét các loại keycap phù hợp, suy nghĩ cách kết nối, phối màu chúng lại với nhau, thì bạn còn phải quan tâm tới một việc vô cùng quan trọng: cảm giác gõ của chiếc bàn phím cơ sau khi thay keycap sẽ thay đổi ra sao.

Cảm giác gõ ở đây bao gồm cả việc xúc giác khi tay chạm phím và âm thanh tạo ra khi gõ phím. Hai thành phần này không thể tách rời nhau trong việc định nghĩa một chiếc bàn phím có được gọi là “gõ đã” hay không?

Tất nhiên 80-90% cảm giác gõ của một bàn phím cơ được quyết định bởi các switch bên dưới, nhưng không phải cứ cùng switch là cho cảm giác gõ giống nhau. Vì 10-20% còn lại phụ thuộc vào keycap (và một phần rất nhỏ từ stab và chất lượng build của toàn bàn phím). Ở đây chúng ta đang nói tới keycap nên mình sẽ đi sâu vào chỉ riêng việc của keycap thôi.

Keycap quyết định một phần cảm giác gõ nhờ vào các yếu tố: chất liệu, profile và độ dày. Chất liệu và profile, cùng với sự tương thích loại switch thì mình đã cùng bàn qua trong các bài trước đây (trong bài chọn profile phù hợp, và bài chọn chất liệu tốt). Nhưng còn độ dày keycap thì đây là lần đầu nói đến. Vì rất nhiều bạn vô tình bỏ qua yếu tố này khi chọn lựa nên mình tách riêng ra với các bài về keycap khác.

Một bộ keycap mỏng manh có thể làm hỏng cảm giác gõ của bạn, nhưng dày quá cũng không tốt

Giờ cứ cho là đa phần các keycap hoàn toàn tương thích Cherry, và giả sử bạn đang xài một bàn phím cơ xịn, với kết cấu và các thành phần chuẩn mực. Tóm lại là trước tới giờ chưa có phàn nàn gì về cảm giác gõ gốc cả. Rồi bạn quyết định thay bàn phím. Qua 7749 lần chọn lựa và nâng lên đặt xuống, bạn hạ cánh với một bộ keycap khá bắt mắt, giá quá tốt và lại còn là chất liệu nhựa yêu thích, kiểu in ký tự yêu thích và profile giống như cái đang dùng hiện tại.

Are these PBT keycaps thick or thin?
Nếu chọn phải một bộ keycap không đủ dày, bạn sẽ hối hận vì phải gõ trên một loạt “thùng rỗng kêu to”

Nhưng khi ráp vào, ngay lập tức bạn nhận ra mình hụt hẫng. Mọi thứ không như mong đợi. Bộ keycap mới giống như một cái loa rỗng kêu to, cảm giác bùng bục khi nhấn phím khiến bạn luôn cảm thấy như bên dưới tay mình là một cái hộp rỗng toang, mỏng tang và điệu đà nhưng gây âm thanh chói ta. Một bộ keycap “bọng”, với chiều dày keycap cực mỏng này đã hoàn toàn làm biến dạng xúc giác và âm thanh khi gõ vốn rất đẹp trước đây của bàn phím gốc.

Tóm lại là những keycap mỏng sẽ có xu hướng cho âm vực cao hơn, âm thanh tuy mỏng nhưng thanh và kém sang hơn.

Tình huống càng tệ hơn trên các phím dài. Dù bàn phím của bạn có trang bị stab tốt tới đâu, nhưng bản thân keycap không đủ dày và không đủ chống chịu với sự rung động khi gõ phím thì khi đưa vào hoạt động, các phím dài và lớn sẽ không ngừng “run rẩy” khi gõ mạnh. Và âm thanh do tụi nó tạo ra thì cũng không vui tai một chút nào đâu.

Ngược lại nếu chọn trúng một bộ keycap quá sức dày, sẽ không còn chỗ cho âm thanh thoát ra. Bạn cũng không còn nghe được tiếng click clack vui tai của bộ switch Blue nữa, mà thay vào đó là một âm trầm đục, kín bít và dường như bị hãm vào đây đó giữa không gian các lớp bàn phím. Đi kèm đó là xúc giác cũng bị giảm đi, do cần nhiều lực tác động hơn đôi chút so với keycap ít dày hơn. Tổng hợp lại thì keycap quá dày cũng không tốt lắm cho sức khỏe của bàn phím đâu.

Đây là lúc bạn nhận ra sức mạnh và sự quan trọng của một bộ keycap thật sự đủ dày.

Còn một vấn đề thường gặp nữa với các keycap quá dày: thành phía trong của keycap sẽ cọ với stab, thanh ổn định dưới các phím. Và sự va chạm này sẽ làm cho bạn vô cùng khó chịu nhất là khi cần bấm phím nhanh, âm thanh của phím khi bị như vầy cụng lục cục lòn hòn lắm.

Rõ ràng là tìm một bộ keycap dày vừa đủ, không quá mỏng không quá dày là lý tưởng nhất. Nhưng bằng cách nào?

Các yếu tố tạo liên quan tới độ dày keycap

Anh em có thể đặt mua keycap từ rất nhiều nguồn, nhất là online thì có thể gọi là tràn lan luôn. Nhưng để cho chắc ăn thì theo kinh nghiệm của mình, nên mua tại các nhà phân phối chính thức trong nước. Có điều kiện tới thử tận tay thì càng hay. Nhờ đó bạn có thể kiểm tra chính xác hơn cảm giác gõ khác biệt như thế nào với những mẫu keycap có độ dày khác nhau. Và cũng chủ động hơn trong việc chọn, đặt và nhận hàng liền tay, không cần phải chờ đợi như khi đặt online.

Trong quá trình chọn, anh em nên xem kỹ hình ảnh 360 độ của bộ keycap định mua, miêu tả càng chi tiết, minh bạch thì càng đáng tin cậy. Độ dày keycap được thể hiện qua các thành phần quan trọng sau:

1/ Độ dày các cạnh mỗi keycap

Đúng như nghĩa đen, độ dày keycap chính là độ dày của mỗi cạnh keycap. Bạn có thể dễ dàng so sánh một keycap dày hay mỏng khi đặt cạnh nhau, lật ngược lên và nhìn vào cạnh bên của chúng. Khoan hãy để ý tới cách in ký tự là doubleshot hay dye-sub này nọ, mà chỉ nhìn vào độ dày chung thôi.

Bộ keycap chỉ mỏng có 1mm này hiển nhiên là không mang lại cảm giác gõ tốt rồi

Độ dày được cho là lý tưởng nhất, phản ánh trung thực nhất mọi cảm giác gõ đến từ loại switch bên dưới là 1,5mm. Dưới 1mm là không cho phép và trên 2mm được coi là ngoại hạng. Vừa phải, hợp lý nhất là keycap trong tầm 1,5-1,7mm. Lúc này mọi cảm giác gõ  gần như được bảo toàn, và âm thanh tạo ra cũng chuẩn nhất so với bàn phím gốc.

2/ Các thành phần gia cố phía trong từng keycap, đặc biệt là các keycap kích thước lớn

Ngoài ra khi chọn lựa độ dày keycap, bạn còn cần lật bên dưới các phím dài lên để xem xét các kết cấu hỗ trợ, là phần nhựa băng ngang qua các chốt chữ thập của phím, có tác dụng cố định thêm một lần nữa các phím có kích thước khủng này. Đảm bảo cho quá trình gõ phím diễn ra an toàn, mượt mà không hề có rung lắc.

Như các phím dài mà thấy trơ trọi, không được gia cố gì thêm như hình dưới này là mình nghĩ không ổn chút nào.

GroupBuy] XDA Milestone Keycap - Gearzone.vn

Mà để đảm bảo không rung lắc, ổn định và hoạt động mịn màng tuyệt đối thì nó nên như này.

Anh em có thể thấy phía trong bộ keycap Glorious PBT tone Pastel mà mình đang dùng làm ví dụ này, cấu trúc chịu lực của từng keycap đều rất ấn tượng. Các phím dài đều được gia cố bên trong bằng các thanh nhựa đặc ngang dọc để giúp tăng độ đồng nhất về âm thanh và độ vững của keycap. Không chỉ có phím dài mà cả các keycap kích cỡ bình thường cũng đều có phần gia cố này. Spam phím cỡ nào cũng không sợ rung lắc hay chệch choạng nữa.

Và khi thay một bộ như này vào bàn phím thì dù cho bạn đang dùng switch nào, âm thanh tạo ra sẽ đều chính xác nhất có thể. Âm gõ phím sẽ trầm và thock hơn, giúp bạn cảm nhận được chiều sâu và độ tinh tế của bàn phím dưới tay rõ ràng hơn bao giờ hết.

3/ Một yếu tố khác là độ nặng của keycap

Với cùng một chất liệu, chiều cao và mật độ nhựa thì Kepcap dày hơn = khối lượng nhiều hơn. Khối lượng nhiều hơn = tần số cộng hưởng khác nhau và mômen quán tính cao hơn. Mômen quán tính cao hơn = cảm giác khác nhau. Tần số cộng hưởng khác nhau = âm thanh khác nhau.

Thường mọi người hay cho rằng keycap dày sẽ thường nặng hơn, nhưng thật ra nặng nhẹ còn tùy thuộc vào chất liệu và mật độ nhựa. Cho nên khi chọn keycap, bạn nên so sánh trọng lượng toàn bộ key so với các bộ key cùng cỡ, cùng profile và cùng độ dày thì mới xác định được nó có thật sự nặng hay không. Keycap nặng thì cảm giác gõ đằm tay hơn nhưng lại tốn nhiều lực hơn, và ngược lại. Với yếu tố này thì mỗi người có sở thích riêng, chỉ là nếu có thể, bạn nên xem qua độ nặng của nó để quyết định tốt hơn.

4/ Mật độ nhựa

Nói tới mật độ nhựa thì trong các chất liệu làm keycap: POM là có mật độ nhựa cao nhất, nên sẽ dễ có trọng lượng lớn. Tiếp theo là PBT và ABS. Cho nên cùng một loại keycap, cùng độ dày, thì cũng vẫn có sự khác nhau trong cảm giác và âm thanh khi gõ. Cụ thể keycap nhựa POM sẽ cho âm trầm và nặng tay hơn PBT, thanh nhất sẽ là keycap ABS. Tất nhiên sự khác biệt này khá nhỏ, và hầu như bạn không nhận ra nếu không đặt hai loại keycap khác nhau cạnh nhau và cùng lắng nghe âm thanh do nó tạo ra. Và nếu nhấn phím từ từ thì không ai có thể nhận ra sự khác biệt.

5/ Cuối cùng là độ đồng nhất và tinh xảo của các chi tiết bên trong mỗi keycap

Một keycap có chất lượng tốt, độ dày phù hợp và được chế tạo cẩn trọng sẽ luôn có sự rành mạch, rõ ràng, sắc sảo trong từng chi tiết. Muốn biết độ chi tiết cỡ nào anh em cứ lật mặt sau ra nhìn là rõ ngay. Các đường vát cạnh, các góc của kecap đều đặn, liền mạch, không có nhựa thừa, không bị răng cưa, không có các chi tiết lồi lõm dù bất cứ mặt phẳng nào. Đưa lên mắt nhắm thử thì sẽ thấy các mặt đều liền vo, không bị gập ghềnh. Đó là một bộ keycap tốt và có độ dày đồng nhất.

Bộ keycap tốt sẽ có đạt độ đồng nhất cao về độ dày và độ phẳng của các chi tiết nhỏ

Độ đồng đều này còn là một yếu tố quan trọng giúp hạn chế các rủi ro trong quá trình dùng như gãy chốt chữ thập, khập khiểng chân thấp chân cao… không những ảnh hưởng tới cảm giác gõ, tuổi thọ của riêng bộ keycap mà còn tác động xấu tới switch và các thành phần đang có trên bàn phím.

Bad Gateron / EnjoyPBT keycap quality - deskthority
Tình trạng như thế này lẽ ra không nên có nếu từng keycap đạt được độ đồng nhất cao về độ dày, và có kèm theo các chi tiết gia cố phù hợp

Vài chia sẻ nhỏ từ kinh nghiệm bản thân mình trong thời gian đồng hành cùng thú chơi keycap. Mỗi người sẽ có nhưng sở thích và trải nghiệm cá nhân khác nhau. Trải nghiệm nào cũng có cái hay của riêng nó, và chưa chắc đúng đã là đúng, chưa chắc sai đã là sai.

Chúc cả nhà tìm được các bộ keycap ưng ý nhất cho mình nhé.