Điều gì tạo nên cảm giác gõ, giá trị cốt lõi của mọi chiếc bàn phím cơ: hay các lưu ý quan trọng khi mua bàn phím cơ

Nếu quan sát kỹ các hiệu bàn phím cơ nổi tiếng, bạn sẽ thấy chúng cùng có điểm chung là: dù ở phương Tây hay châu Á, dù đang dùng switch nào, có kích cỡ nào, kiểu dáng cổ điển hay hiện đại, có đèn hay không đèn thì tất cả đều cho cảm giác gõ cực kỳ trung thực và rõ ràng. Và thật ra đây mới chính là giá trị cốt lõi thật sự của một chiếc bàn phím cơ cao cấp, chất lượng. Mấy râu ria phụ kiện hay vóc dáng đèn đóm gì đó chỉ là phụ thôi.

Vậy bạn đã bao giờ thắc mắc Cảm giác gõ của một chiếc bàn phím cơ được tạo nên từ những thành phần nào không? Cùng tìm hiểu nhé.

1/ Đầu tiên là các switch bên dưới phím

Switch chính là trái tim và cả linh hồn của một chiếc bàn phím cơ. Là phần nằm ẩn bên dưới các phím bấm, hoạt động theo cơ chế đặc trưng của mình để tạo ra cảm giác gõ, độ xúc giác, độ phản hồi và quyết định lực bấm, âm thanh phát ra khi bấm phím.

FILCO MAJESTOUCH STINGRAY - Blog - CherryMX

Hiện nay ta có switch cơ học, switch quang học, switch điện dung và switch từ tính. Trong đó tất nhiên switch cơ học vẫn là dòng phổ biến nhất. Và dù là kiểu switch nào thì chúng cũng thuộc một trong bốn phân loại sau về mặt đặc tính:

  • Linear (tuyến tính): chuyển động trơn mượt, xúc giác tốt nhưng không có độ khấc giữa hành trình và cũng không tạo ra âm thanh khi gõ.
  • Clicky: cần nhiều lực bấm hơn linear, chuyển động rắn chắc, xúc giác tốt, có độ khấc sắc nét và âm thanh khi bấm phím.
  • Tacticle (xúc giác): được xem là loại dung hòa giữa linear và clicky. Nghĩa là có chuyển động khá mượt, nhẹ tay hơn clicky nhưng nặng tay hơn linear, có xúc giác tốt, có độ khấc và ít tạo ra âm thanh khi gõ.

Và khi nói về thương hiệu thì rõ ràng thế giới chỉ phân làm hai loại: Cherry và non-Cherry. Cherry với kinh nghiệm, tuổi đời tuổi nghề của mình từ những ngày đầu làm ra chiếc switch cơ học đầu tiên, vẫn luôn là tượng đài switch cơ học của cả thế giới. Tuy bằng sáng chế đã hết hạn, và cò hàng loạt bản sao clone-Cherry xuất hiện (như từ Outemu, Kailh, hay Gateron) nhưng vẫn không ai có thể đạt được độ chuẩn mực, tính đồng nhất, chất lượng va sự bền bỉ như switch Cherry.

Còn không phải switch cơ học, thì hiện giờ ta có đại diện nổi bật là các dòng switch quang học do Razer tự thiết kế dùng cho sản phẩm của mình, Logitech Romer-G (đặt hàng từ Omron), switch điện dung Topre từ tập đoàn Topre với đặc tính siêu mềm mượt và phím nhẹ như tơ. Các switch này tuy không phải cơ học chuẩn mực vì có cấu tạo và cách vận hành rất khác nhưng đã tạo được ấn tượng tốt nơi cộng đồng người dùng nhờ sự khác biệt và đầy hứng thú chúng mang lại.

Tóm lại thì loại switch sẽ quyết định 80% cảm giác gõ trên một chiếc bàn phím cơ. Switch chuẩn thì cảm giác bấm chuẩn, rõ ràng và rất sắc sảo. 20% còn lại sẽ đến từ…

2/ Case (phần vỏ bên ngoài) của bàn phím

Chất liệu, độ dày và cách gia công của case cũng sẽ ảnh hưởng tới cảm giác gõ cuối cùng. Case nếu được chế tạo chắc chắn thì cảm giác gõ càng chắc nịch và chi tiết. Nếu để ý thêm chút nữa, anh em sẽ thấy các bàn phím cho cảm giác gõ tốt luôn đi với phần case khá “nặng ký” cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa là làm từ nhựa dày, thậm chí một số làm luôn bằng kim loại và tốn nhiều thời gian, công sức chi phí cho khâu sản xuất.

Spruced-up Filco : MechanicalKeyboards
Chiếc bàn phím này có phần case làm từ nhựa PBT dày cui chắc nịch, cầm thôi đã sướng tay

Điểm chung của các case chất lượng là: cầm lên tay chắc nịch, không xộc xệch, không có tiếng ồn do các thành phần bên trong chạm vào nhau, cầm hai đầu của bàn phím tác động lực thử từ ít tới nhiều bạn sẽ thấy chúng không suy suyển tẹo nào. Trong khi các bàn phím cơ bình thường, case tầm tầm thì cầm lên là thấy nhẹ tưng ngay.

3/ Tấm cố định Plate

Tuy không phải là yếu tố then chốt trực tiếp tạo ra cảm giác gõ nhưng plate chất lượng có thể hỗ trợ tăng độ bền và nâng tầm cảm giác gõ của từng switch trên bàn phím. Plate là tấm kim loại (hoặc một mặt kim loại) có tác dụng giữ switch cố định vào bàn phím. Plate càng cứng cáp nghĩa là switch ổn định hơn, từ đó giảm thiểu rung lắc, cho cảm giác gõ chính xác và chi tiết hơn.

Nhưng tất cả cũng chưa phải hoàn thiện nếu thiếu…

4/ Một bộ keycap hoàn hảo

Keycap là các phím trên bàn phím. Nếu switch là linh hồn thì keycap có thể gọi là thể xác, phần thể hiện ra bên ngoài rõ ràng nhất và quyết định đến gần 20% cảm giác gõ. Keycap ảnh hưởng tới cảm giác gõ ở các khía cạnh sau:

4.1/ Chất liệu làm ra keycap

Nếu chỉ nói tới các bàn phím cơ phổ biến trên thị trường thì chất liệu làm keycap thường thấy xoay vòng trong hai loại nhựa ABS hoặc PBT.

  • Keycap nhựa ABS thì có độ dẻo dai tốt hơn, cho màu sắc tươi sáng hơn nhưng nhược điểm là dễ bị bóng lên theo thời gian. Nhưng ngược lại, âm thanh gõ phím trên các keycap ABS cực kỳ xuất sắc trên các bàn phím đã build tốt.
  • Keycap nhựa PBT thì cứng cáp hơn do kết cấu nhựa dày đặc, cho màu sậm nên thường dùng cho các bàn phím tone màu tối (xám, nâu, đen…), có độ nhám đặc trưng và không bị bóng lên theo thời gian. Bù lại âm thanh gõ phím không quá xuất sắc.

Không thể nói ABS hay PBT tốt hơn vì còn phụ thuộc vào mục đích dùng của nhà cung cấp, ngân sách và sở thích riêng của người dùng. Nhưng dù cho làm từ chất liệu nào thì bộ keycap của các bàn phím cơ cao cấp cho chất lượng gõ như ý đều có cùng điểm chung về độ dày keycap.

Bàn phím Filco Majestouch LumiS này dùng các phím làm từ nhựa PBT in ký tự double-shot
Còn chiếc FIlco kinh điển Convertible 2 fullsize này thì dùng keycap ABS, in double-shot và luôn có mặt trong bảng xếp hạng bàn phím cơ cho cảm giác gõ “đã” nhất liên tục nhiều năm.

4.2/ Độ dày keycap

Các bàn phím cơ có keycap độ dày chuẩn sẽ cho cảm giác gõ chính xác (với tính chất của switch bên dưới) và âm thanh đúng mức. Nếu keycap mỏng sẽ khiến ta có cảm giác lỏng lẽo, các khoảng trống trong lòng keycap cũng làm cho âm thanh khi gõ bị biến dạng, phím bấm nghe cảm giác “bọng” rất khó chịu. Nếu keycap quá dày sẽ làm toàn bàn phím cồng kềnh, tăng trọng lượng, và âm thanh cũng bị bít bùng hơn, đôi khi sẽ không còn đã tai nữa.

4.3/ Profile keycap

Profile keycap có thể hiểu nôm na là cấu trúc các hàng keycap trên bàn phím bao gồm cả chiều cao, độ nghiêng và khoảng cách giữa các phím. Phổ biến nhất hiện tại là profile OEM, Cherry và Medium: điểm chung là thân thiện, dễ dùng, dễ làm quen, đỡ mỏi tay nhưng ngoại hình kinh điển có thể hơi đơn điệu.

Bàn phím Filco 2SS này đang dùng profile OEM các phím PBT doubleshot

 

Doubleshot ABS 104-Key Keycap Set - Navy & White (Filco)
Còn đây là một bộ keycap ABS SA high-profile điển hình, với chiều cao và ngoại hình ấn tượng
Bàn phím cơ Low-Profile là gì? | Phong Cách Xanh
Điển hình của bàn phím cơ low-profile keycap: bàn phím Filco Stingray dùng switch Red low-profile của Cherry

Nói về profile thì có hàng hà sa số các biến thể khác nhất là SA high-profile keycap (như hình bên trên) rất nổi bật với chiều cao đặc trưng và các phím thon thả. Nhược điểm vì quá cao nên đôi khi bấm lâu hơi mỏi tay. Low-profile keycap trên các bàn phím dùng switch low-profile thì rất thân thiện đặc biệt với người dùng mới chuyển từ laptop sang bàn phím cơ, thon gọn, thanh lịch nhưng nhược điểm là bấm không đã tay như bàn phím cơ truyền thống.

Cá nhân mình rất quan trọng chuyện chọn một profile phù hợp. Vì chính hình dáng, kích cỡ và chiều cao của keycap sẽ quyết định không gian bên trong của phím từ đó ảnh hưởng tới cảm giác và âm thanh khi gõ. Ngoài ra thì profile còn ảnh hưởng nhiều tới khả năng gõ chính xác của một bàn phím cơ. Nhưng mình có dùng qua một số bàn phím cơ profile không chuẩn thì gõ rất hay bị dính phím hoặc trượt tay, còn khi chuyển qua dùng Filco hay Realforce thì không còn bị nữa. Chưa kể profile còn ảnh hưởng tới độ khỏe và sức bền của đôi tay, điển hình là anh em dùng SA quen cỡ nào cũng thường bị mỏi tay chút chút, còn với OEM thì đỡ hơn.

4.4/ Cách in ký tự trên keycap

Với các bàn phím hãng lắp sẵn thì thường thấy có 3 kiểu in ký tự keycap phổ biến sau:

  • In nổi: ký tự được in trực tiếp trên mặt keycap bằng một màu sắc thường là đối lập với nền keycap. Cách làm này đơn giản, dễ làm, thời gian nhanh, tiết kiệm chi phí sản xuất nhưng nhược điểm lớn là hơi cộm tay và dễ bị bay màu theo thời gian.
  • Dye-sub (in nhiệt): đây là công nghệ dùng nhiệt giúp mực thấm vào keycap, ưu điểm khó bay màu, tiết kiệm chi phí. Nhược điểm là chỉ làm được trên chất liệu nhự PBT.
  • Double-shot (đúc hai lớp): keycap sẽ được làm từ hai lớp: một lớp nền và một lớp dùng làm ký tự. Các keycap dạng này có độ dày nhiều hơn keycap in dạng khác và ký tự hầu như không thể mờ theo thời gian. Nhược điểm là sản xuất phức tạo và giá thành cao hơn.
Hands-on with the Glorious GMMK Compact: Affordable custom keyboards
Chiếc bàn phím cơ Glorious GMMK Compact: này đang dùng bộ keycap ABS double-shot xuyên LED rất ấn tượng và được nhiều gamer yêu thích

Theo mình thấy thì bản thân cách in ký tự nào không quá ảnh hưởng tới cảm giác gõ của một chiếc bàn phím cơ (ngoại trừ in nổi thì càm giác hơi cồm cộm tay thôi chứ cũng không có gì quá đáng). Mà thật ra nó ảnh hưởng nhiều tới chất lượng nói chung của một bàn phím cơ hơn. Dùng bàn phím mà keycap mới 1-2 năm đã bị bay màu ký tự sơ sơ thì thôi còn gì để nói nữa 🙁

Ngoài bốn yếu tố quan trọng vừa kể trên, thì cảm giác gõ trên một chiếc bàn phím cơ còn ảnh hưởng bởi các chi tiết nhỏ như:

  • Stabilizer (thanh cân bằng): các thanh cân bằng này nằm phía dưới mấy keycap kích thước lớn, có nhiệm vụ giữ thăng bằng cho các phím lớn này không bị nghiêng, lệch hay cảm giác xộc xệch khi gõ. Thanh cân bằng chất lượng tốt sẽ phần nào giúp phím lớn giữ đúng được cảm giác gõ của mình để tương đồng với các key còn lại trên toàn bàn phím. Mình thấy thì chúng cũng không quá quan trọng hay có thể ảnh hưởng tới cảm giác gõ chung nhưng nếu thiếu hoặc không tốt thì cũng khả là khó chịu.
  • Các vòng O-ring hãm thanh: một số bạn không thích tiếng ồn của các switch Blue nhưng vẫn mê mệt cảm giác gõ do nó mang lại thì có thể mua thêm bộ hãm thanh O-ring về để gắn thêm vào dưới các keycap. Nhưng việc dùng các O-ring có thể làm thay đổi một chút xíu cảm giác gõ chung của bàn phím cơ. Nên nếu muốn dùng anh em cũng cân nhắc kỹ, có thể thử trước 1-2 phím để coi nó khác biệt nhiều không rồi hẵng quyết định tiếp.
  • Lubbing (khâu bôi trơn): đa phần các bàn phím hãng lắp sẵn khi xuất xưởng đều đã được lub theo tiêu chuẩn (bôi trơn theo tiêu chuẩn để đảm bảo độ mượt cần có cho mỗi loại switch). Theo thời gian phần dầu bôi trơn này có thể không còn nữa, và người dùng có thể tự mua đồ nghề về bôi trơn cho bàn phím của mình. Nhưng nếu sai số lượng dầu bôi so với hàm lượng chuẩn nên có thì cảm giác gõ của phím chắc chắn sẽ bị thay đổi: nhiều hơn sẽ làm phím trơn tuột, mất cảm giác xúc giác và độ khấc, còn nếu không đủ phím sẽ đanh hơn và âm thanh cũng giòn hơn (trừ phi anh em muốn nó như vậy).

Và cuối cùng, nếu các bạn chọn một chiếc bàn phím cơ dựa trên giá trị cốt lõi, cảm giác gõ chuẩn mực, của nó thì nên chọn mua hàng chính hãng. Và trước khi mua cần xác định rõ nhu cầu thực của mình là gì, sau đó xem xét bốn mục lớn mình vừa kể trên để tìm ra một chiếc ưng ý nhất. Chúc anh em gõ phím vui và làm việc hăng say.

Tham khảo thêm sản phẩm bàn phím cơ tốt nhất tại Phong Cách Xanh >> Bàn phím cơ CHERRY Xtrfy K5V2 Compact RGB – 65%