Màn hình OLED trên Nintendo Switch OLED có gì khác so với màn hình các dòng Switch trước đây?

Máy chơi game năm ngoái và năm nay nối đuôi nhau ra: Playstation 5, Xbox series X/S rồi giờ tới Nintendo Switch OLED.

Mỗi hệ máy khi ra dòng mới đều kèm theo rất nhiều cải tiến. Có khi là một bước tiến dài làm lác mắt thiên hạ, hoặc có khi chỉ là những cải tiến cục bộ, nhưng rất đáng trong lòng fan. Không phải tất cả, nhưng đa phần thế hệ sau đều tốt hơn thế hệ trước. Như trường hợp của Nintendo Switch OLED. Chỉ nói riêng về việc đổi hoàn toàn công nghệ màn hình từ LCD sang OLED thôi, đã đủ thổi một luồng gió mới và mang tới những trải nghiệm đáng nhớ. Và nếu bạn vẫn còn chưa biết về công nghệ OLED mà Nintendo đang đặt nhiều kỳ vọng trên dòng máy trung gian này thì hôm nay cùng newsphongcachxanh tìm hiểu nào.

Chưa thể gọi Nintendo Switch OLED là một dòng máy Switch mới vì dân tình hẳn vẫn đang trông ngóng bản PRO trong tương lai với nhiều màn thay da đổi thịt. Nhưng trước khi qua tới đó, thì năm nay, trong tháng 10 này, Nintendo đã chính thức phát hành Nintendo Swtich OLED, coi như một trung gian nằm giữa Switch V2 của hiện tại và Switch PRO chưa biết thế nào và khi nào.

Mấy bạn có thể thấy chữ OLED thậm chí xuất hiện và được in hoa hẳn hoi trong tên model mới này. Rõ ràng, màn hình với kích cỡ lớn hơn dựa trên công nghệ OLED là điểm nhấn chính (dù còn nhiều cải tiến khác trong thông só kỹ thuật, anh em có thể đọc thêm trong bài này). Và chính sự thay đổi lớn này đã được Nintendo kỳ vọng mang lại những trải nghiệm game hoàn toàn khác biệt, và sẽ mở ra một kỷ nguyên màn hình mới cho các máy chơi game.

Máy Switch OLED Zelda Breath of the Wild

Màn hình OLED là gì?

OLED là viết tắt của Organic Light-Emitting Diode (tạm dịch ‘diode hữu cơ phát quang’). Trong đó, từ “hữu cơ” chỉ tính chất (dựa trên carbon) của các lớp vật liệu phát quang mỏng nằm bên trong tấm nền (panel) phía sau mặt kính màn hình. Đặc tính chủ đạo của màn hình OLED panel là có thể tự phát sáng khi có dòng điện đi qua để tái tạo hình ảnh mà không cần nguồn chiếu sáng bên ngoài (đèn nền) như màn hình LCD, LED.

OLED khác thế nào với màn hình LCD trong các máy Switch trước đây?

Màn hình LCD sử dụng đèn nền ống (CCFL backlight) bình thường khiến cho hình ảnh dù trắng hay đen thì cũng được chiếu sáng cường độ như nhau xuyên qua tấm nền. Điều này tạo ra hiện tượng một số vùng trên hình ảnh trở nên siêu sáng vì nguồn sáng chiếu đồng đều ở mọi nơi. Riêng các điểm có màu tối hoặc đen thì vẫn có một lượng ánh sáng tối thiểu chiếu qua. Nên ở màn hình LCD khái niệm “đen tuyệt đối” hay “đen hoàn hảo” là chuyện không bao giờ có. Dẫn tới tình trạng khi chơi các game có tone màu tối như Little Nightmare hoặc Luigi’s Mansion, độ tương phản và độ sâu trên màn hình không hẳn tốt.

Coleo_OLED_Pixel_Dimming_image1

Để cải thiện khuyết điểm này của các màn hình LCD, một số hãng lớn như Samsung và Sony, đã dùng một phương pháp đặc biệt: tận dụng các dải bóng LED để làm đèn nền ở phía sau hoặc từ các cạnh viền, tạo thành màn hình LED, LCD công nghệ LED. Khi đó các bóng LED được điều khiển độc lập. Cách sắp xếp này đã giúp tắt đi bớt độ sáng ở những vùng hình ảnh tối, giúp cho hiển thị hình ảnh, màu sắc chân thực hơn.

Tuy mang lại trải nghiệm hình ảnh tốt hơn so với đèn CCFL gốc trên các màn hình LCD nguyên thủy. Nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân: nguồn sáng do đèn LED phát ra vẫn không thể nào đồng bộ hóa được hoàn toàn với phần hình ảnh pixel của lớp LCD phía trước. Dẫn tới hiện tượng lóe sáng. Nghĩa là khi nhìn vào màn hình bạn sẽ thấy các quầng sáng lấp ló ở rìa hoặc góc của màn hình, nơi tiếp giáp giữa vùng sáng và vùng tối, như hình bên dưới.

What Is FALD Blooming Or Halo Effect? | LaptrinhX

Trong khi đó chuyện gì diễn ra nơi các màn hình OLED?

LG và Panasonic là hai người tiên phong trong việc hoàn chỉnh và ứng dụng công nghệ OLED vào sản xuất màn hình (đa phần là cho các smartphone cao cấp và các màn hình điều khiển phức tạp). Trên các màn hình OLED, chính mỗi pixel cũng là nguồn sáng Khi hiển thị màu đen hoặc các phần tối, chúng có thể tự tắt đi nguồn sáng và tắt cả pixel. Cho nên sẽ tạo được các vùng tối tuyệt đối và khi kết hợp với các vùng sáng trắng của tấm nền, màu sắc trở nên chan hòa, rõ, sắc nét và chân thực, không còn hiện tượng blooming hay burnin. Như hình ảnh bạn thấy dưới đây, nền tối trên màn hình OLED đã được thể hiện đậm nét, sâu hun hút và hoàn hảo tới mức không bỏ sót bất kỳ một đốm sao nào, loại bỏ được hoàn toàn hiện tượng lóe sáng.

so sanh lỗi blooming màn hình led oled

Một ưu thế lớn nữa của màn hình OLED là mang tới hình ảnh có HDR cao hơn hẳn. HDR (High Dynamic Range) là tiêu chuẩn hình ảnh với nhiều dải nhạy sáng động, cho phép màn hình hiển thị hình ảnh rõ nét, đặc biệt là các chi tiết trong vùng nổi và vùng bóng đổ. Nó cho phép vùng nổi sáng hơn bình thường. Và vùng bóng đổ trong HDR có chiều sâu và tối hơn. Qua đó ảnh gốc có thể được hiển thị toàn vẹn và chân thực, gần hơn với những gì mắt người nhìn thấy. Vì thế, HDR còn được gọi là dải nhạy sáng động mở rộng, chính xác là như vậy so với tiêu chuẩn thông thường.

HDR của oled và lcd

Nói cách khác trên các màn hình OLED, tỷ lệ giữa giá trị sáng lớn nhất và tối lớn nhất mà màn hình có thể hiển thị dài hơn hẳn các công nghệ màn hình khác. Dẫn tới màn hình không chỉ hiển thị các điểm sáng tốt hơn mà đồng thời phần tối cũng đậm nét hơn.

Và vì không có hiện tượng lóe sáng, không bị hắt sáng ở bất kỳ điểm nào trên màn hình nên góc nhìn rộng, thoáng và linh hoạt hơn nhiều. Bên cạnh đó, nhờ các nguồn sáng siêu nhỏ bên trong mỗi pixel, độ dày màn OLED cũng giảm đáng kể vì không còn phải chứa nhiều lớp như màn LCD, LED.

What Are OLED TVs? - TechReviewer

Ưu điểm tiếp theo khá lớn phải kể tới trên các màn hình OLED là Tốc độ đáp ứng nhanh, cực kỳ phù hợp để chơi game. Màn hình OLED không chỉ cho chất hình, chất màu tốt hơn mà còn mang tới độ mượt và khả năng chuyển đổi hình ảnh nhanh nhạy hơn. Các pha hành động, chuyển cảnh, hàng loạt các diễn tiến nhanh trong game trở nên nhạy và đẹp mắt hơn. Đươc biết các OLED panel hiện nay có thể đạt tới tốc độ làm mới 0,001ms, nghĩa là xấp xỉ hơn 1000 lần so với màn hình LED.

led panel vs oled panel

Có bốn ưu điểm vượt trội lớn như vậy và đang được nhiều hãng sản xuất smartphone, màn hình “bảo kê” (như LG, Philips, Sony…) nhưng OLED vẫn còn là công nghệ xa lạ với người dùng phổ thông. Và giá của các màn hình kiểu này quá chát do quy trình sản xuất, máy móc phức tạp, đòi hỏi độ chính xác và hàng loạt các tiêu chuẩn đo lường, testing gian nan. Nói chung là giá rất cao và khó tiếp cận.

Trong khi đó màn hình LED tuy có nhiều điểm bất cập hơn nhưng lại có ưu điểm về tuổi thọ,  giá thành và độ sáng cao (nên dùng thoải mái hơn ở các môi trường có sẵn nhiều nguồn sáng hoặc ánh sáng mạnh).

Tóm lại so với nhiều thế hệ tấm nền của quá khứ và hiện tại thì OLED đang dẫn đầu, với hàng loạt ưu điểm:

  • Tạo màu đen tuyệt và độ tương phản màu sắc hoản hảo, từ đó tái tạo màu chính xác hơn cho hình ảnh
  • Dải màu chuyển động rộng nên thể hiện hình ảnh động mượt mà nhanh nhạy
  • Tốc độ đáp ứng nhanh rất lý tưởng chơi game
  • Góc nhìn rộng, màn hình mỏng
  • Màn hình OLED tốt cho mắt và ít gây tình trạng mất ngủ hơn vì phát ra một lượng ánh sáng xanh bằng 1/2 so với LED cùng cỡ.

Nên mua máy Switch OLED hay máy Switch V2

Cũng vì nhiều ưu thế như vậy, với cái giá không hề rẻ và quy trình sản xuất phức tạp nên công nghệ OLED chỉ đang hiện diện trên smartphone cao cấp và các màn hình điều khiển tích hợp trong các thiết bị hiện đại. Và mới đây nhất là trên mẫu máy chơi game phiên bản mới Nintendo Switch OLED.

Chưa cần biết thông số kỹ thuật ra sao, bộ nhớ tăng gấp đôi mang tới những lợi thế nào. Nhưng trước mắt chỉ cần biết cầm trên tay một chiếc Nintendo Switch lớn hơn chỉ một cm so với Switch V2 nhưng màn hình thì tăng đáng kể từ 6.2 inch tới 7 inch, mỏng cơm hơn, lại còn hình ảnh sắc nét hơn, xử lý ngọt tất cả các game màu tối khó nhằn là đã thấy xứng đáng rồi. Tính ra chỉ hơn Switch V2 50-60 USD mà được nhiều phết.

Hẹn anh em một ngày gần nhất review đập hộp con Switch mới hấp dẫn này nhé.