Năm 2021, tai nghe gaming đã phất lên tới mức nào rồi và có công nghệ tiên tiến nào?

Tai nghe vốn là một phần không thể thiếu khi thưởng thức nhạc (nhất là mấy nghiện Rock) hoặc cần tập trung, riêng tư thật sự để chơi game lâu dài. Mỗi người có sở thích chọn tai nghe khác nhau, nhưng tai nghe bây giờ đều có một điểm chung là: sở hữu khá nhiều công nghệ âm thanh và thiết kế vượt trội. Các công nghệ này có thể có ích hoặc không tùy theo mục đích sử dụng của bạn, nhưng chúng đều sẽ thêm chi phí vào cho tai nghe. Nghĩa là càng hào nhoáng, sang trọng, thương hiệu lớn và có nhiều công nghệ tích hợp phức tạp thì giá sẽ càng cao.

Hiểu hết về các công nghệ này sẽ giúp bạn chọn đúng loại tai nghe đồng thời chi tiêu hợp lý hơn cho món gear lợi hại này. Mời anh em xem qua bảng liệt kệ công nghệ tai nghe mới nhất năm 2021 này.

1/ Công nghệ khử tiếng ồn chủ động: ANC: Active Noise Cancelling

Chống ồn chủ động (Active Noise Cancelling – ANC) là công nghệ âm thanh được hãng Bose khởi xướng phát triển và trang bị trên các tai nghe của mình vào cuối thế kỉ 20. Trước đó để chống lại tiếng ồn từ môi trường, các nhà sản xuất vẫn đang sử dụng cách bịt kín tai bằng các lớp cao su hoặc silicone trên tai nghe (chống ồn bị động).

Nguyên lý hoạt động của công nghệ chống ồn chủ động như sau: Các thiết bị sẽ được gắn một micro ở phía tai nghe, làm nhiệm vụ nghe ngóng và phân tích tiếng ồn từ môi trường bên ngoài.

Sau khi phân tích và xử lý, một bộ phận khác trên tai nghe sẽ tạo ra các sóng âm ngược pha với sóng âm từ môi trường mà micro ghi nhận, phân tích được. Do hai sóng âm này ngược pha nhau nên trước khi đến tai người nghe, chúng đã tự triệt tiêu lẫn nhau, dẫn đến việc người dùng không còn nghe thấy các tiếng ồn từ bên ngoài.

Kết quả là người dùng không còn bận tâm đến các tạp âm từ bên ngoài mà chỉ cần tập trung nghe các bản nhạc, cuộc gọi từ tai nghe dù đang ở giữa phố hay chỗ đông người. Nhiều người cũng sử dụng tính năng chống ồn chủ động này khi đeo tai nghe để thư giãn, làm việc (không bật âm thanh nào) ở các môi trường có tiếng ồn nhiều như quán cafe hay văn phòng.

Nghiên cứu về công nghệ chống ồn chủ động - Active Noise Cancelling |  TinTucAudio

  • Ưu điểm: phù hợp với nhiều thiết kế tai nghe, khả năng chống ồn rất hiệu quả bất kể loại chất liệu tai nghe đang dùng là gì
  • Nhược điểm: mạch khử ồn tốn kha khá điện năng nên thường kèm pin, kết quả là tai nghe cồng kềnh và nặng thêm một chút. Ngoài ra, khi bật tính năng chống ồn chủ động, sẽ có một áp lực nhỏ đặt vào tai người nghe, cảm giác sẽ giống như khi bạn ngồi trên máy bay đang cất cánh và thường có tiếng xì nho nhỏ khi nghe nhạc

2/ Các công nghệ âm thanh vòm: Surround Sound

Âm thanh vòm là một hệ thống các loa được đặt xung quanh người nghe và có tác dụng tạo ra một không gian âm thanh chan hòa, trung thực và sống động. Về lý thuyết có nhiều phương pháp tạo ra âm thanh vòm như: dùng kỹ thuật ghi âm thanh vòm, xử lý âm thanh với nguyên tắc Huygens để tái tạo các mặt trước sóng trường âm thanh dưới dạng ảnh ba chiều âm thanh, hoặc phương pháp Double MS dùng ba micro ở các vị trí khác nhau

Tương ứng với các phương pháp khởi tạo, âm thanh vòm sẽ có nhiều định dạng và phiên bản khác nhau. Nhưng đó là cho loa và các phương tiện thể hiện âm thanh. Còn với tai nghe, đặc biệt là tai nghe gaming/ giải trí thì chủ yếu công nghệ âm thanh vòm sẽ có hai hình thức sau:

2.1/ Âm thanh vòm 5.1

Mỗi bên chụp tai của headphone sẽ có 4 loa nhỏ, lần lượt có vai trò loa trái, phải, giữa, siêu trầm. Combo 4 loa này sẽ mang tới âm thanh chân thực, có tính lan tỏa cao và bao trùm được nhiều loại âm đang diễn ra trong game hoặc phim.

Nhược điểm của công nghệ âm thanh vòm 5.1 là giá cao, và làm cho kích thước headphone cồng kềnh hơn.

2.2/ Âm thanh vòm 7.1

Là phiên bản mới hơn của âm thanh vòm 5.1. Ở bản cập nhật này, mỗi chụp tai của headphone sẽ có nhiều loa hơn, phổ biến nhất là loại 5 loa mỗi bên tai. Và vì có nhiều loa hơn nên âm thanh vòm tạo ra bao phủ được nhiều kênh nhiều loại âm khác nhau. Âm thanh tất nhiên sống động và lan tỏa hơn. Âm thanh vòm 7.1 cũng có cùng nhược điểm với âm thanh vòm 5.1 ở trên.

Cảm nghĩ cá nhân mình về vụ âm thanh vòm này. Nếu bạn dùng headphone để nghe nhạc, coi phim thì nên đầu tư cho công nghệ âm thanh vòm. Nhưng nếu đã xác định dùng headphone để chơi game, nhất là game bắn súng thì nói thiệt là không cần âm thanh vòm đâu. Thứ nhất nó tốn thêm tiền, thứ hai làm nặng tai nghe thêm một chút. Lý do quan trọng nhất: cái bạn cần là nghe âm thanh một cách tập trung (chứ không phải theo nhiều hướng dội lại), chi tiết (chứ không phải chan hòa) để còn xác định bước chân giặt và hướng xuất hiện của tụi nó. Còn khi có âm vòm mấy thứ này trộn chung lại vòng vòng quanh tai chỉ tổ làm rối thêm tình hình.

Anyway, nếu bạn không phải lúc nào cũng chơi bắn súng, mà chơi vài loại khác, còn dùng headphone cho nhiều mục đích khác nhau ngoài chơi game thì một chiếc tai nghe âm thanh vòm hiện đại cũng đáng để suy nghĩ.

3/ Công nghệ DTS Headphone

Công nghệ DTS Headphone dựa trên các thuật toán phần mềm chứ không liên quan tới phần cứng như hai công nghệ trên. Tác dụng chính là giúp tính toán và tái tạo một cách chính xác các hệ thống âm thanh phòng thu chuyên dụng. Với tai nghe có tich hợp công nghệ cao cấp này, âm thanh phát ra từ tai nghe không chỉ từ hai phía nữa mà có thể đến từ mọi hướng. Có thể về công nghệ bên trong nó phức tạp hơn nhiều vì dùng thuật toán tạo ra, nhưng với người dùng phổ thông như mình thì nó cho tác dụng khác giống Âm thanh vòm, nhưng tất nhiên là cao cấp và tinh tế hơn.

Cùng nhận xét như trên nếu bạn là người mê âm nhạc hoặc mê game.

4/ Công nghệ tai nghe không dây Bluetooth và các biện pháp giảm thiểu nhược điểm của kết nối Bluetooth

Từ thời máy nghe nhạc Walkman đi chỗ nào cũng thấy người ta đeo tai nghe nhạc có sợi dây lòng thòng hai bên tai thì mình đã nghĩ ồ sẽ thế nào nếu một ngày nào đó có chiếc tai nghe không dây gọn bâng, không bao giờ bị rối dây nhỉ?

Và cũng tới ngày đó. Không chỉ có tai nghe in-ear mà hàng loạt dòng over-ear cũng sở hữu công nghệ kết nối không dây Bluetooth.

Việc đưa Bluetooth vào các món gear khác không biết thế nào nhưng với tai nghe thì chuyện có vẻ dễ dàng và nhanh hơn vài bước.

Cũng như nhiều món đồ công nghệ khác, vấn đề chung của một tai nghe không dây Bluetooth là luôn tồn tại một độ trễ nhất định và có khả năng bị nhiễu sóng khi vào các môi trường phức tạp. Khi dùng headphone nghe nhạc coi phim thì không vấn đề gì. Nhưng nếu dùng để chơi game tốc độ cao, cần giao tiếp nghe ngóng từ đồng đội, phe phái thì trễ vài mili giây thôi cũng đủ gây ra những khác biệt. Hoặc nếu bạn thường xuyên phải đi tới chỗ đông người thì nguy cơ nhiễu cũng rất cao

Nhiều công ty đã tìm cách làm ra các công nghệ đối kháng để hạn chế độ trễ và hiện tượng nhiễu sóng này xuống càng nhiều càng tốt:

4.1/ Công nghệ ổn định Bluetooth mang tên codec aptX từ Qualcomm

Đây là một phần mềm từ Qualcomm, để tối ưu hóa tính hiệu âm thanh, giúp dọn đường để âm truyền đi nhanh và tốt hơn trên các tai nghe không dây Bluetooth. codex aptX hoạt động trên nguyên tắc Tự động điều chỉnh quá trình truyền tốc độ bit dựa trên những hạn chế của môi trường không dây mà người dùng đang hiện diện.

Thí dụ tới một nơi đông đúc, tín hiệu không dây chen chúc nhau, dễ bị nhiễu sóng thì codec sẽ tìm cách truyền âm với tốc độ bit nhỏ hơn, từ đó âm thanh sẽ ổn định, không bị ngắt quãng và trong trẻo hơn. Còn khi bạn dùng tai nghe tại nhà thì tự động âm sẽ được truyền với bit cao hơn cho chất lượng âm cao nhất có thể.

Có ba loại aptX phổ biến trên các tai nghe hiện nay: aptX thông thường, aptX HD – cung cấp chất lượng âm thanh cao nhất – và aptX Độ trễ thấp (aptX LL) có thời gian phản hồi nhanh hơn. Tùy theo nhu cầu và mục đích dùng mà bạn chọn thôi.

4.2/ Công nghệ LDAC từ Sony

Codec Bluetooth từ Sony với tên gọi LDAC thậm chí được đánh giá là còn hiệu quả hơn aptX HD. aptX HD hỗ trợ tốc độ bit tối đa là 576 kbps với độ trễ 40ms, trong khi LDAC hỗ trợ tới 3 chế độ khác nhau. Ở mức căn bản, LDAC  truyền dữ liệu ở tốc độ 330 kbps – 660 kbps còn ở chế độ tối đa là 990 kbps, con sổ này rõ là cao hơn aptX HD nhiều.

Nhưng vì nhiều lý do trong đó có lý do giá thành, nên công nghệ hỗ trợ kết nối không dây LDAC của Sony không phổ biến bằng aptX.

5/ Công nghệ tai nghe chống nước

Nhiều bạn giờ không chỉ dùng tai nghe ở nhà mà còn mang đi khắp nơi. Có khi vì sự tiện lợi như các tai nghe nhỏ gọn không dây in-ear, hoặc vì thói quen khó rời như lúc dùng quen một loại tai nghe over-ear chơi game nào đó. Nói chung có nhu cầu đi khắp nơi cùng tai nghe thì mình nghĩ bạn cần cân nhắc tới lựa chọn các tai nghe có tích hợp Công nghệ chống thấm nước.

Có nhiều phương pháp tạo ra khả năng chống thấm nước này, tùy theo hãng và tùy theo loại tai nghe. Nên mình sẽ không nói về tên gọi hay cơ chế hoạt động nữa mà chỉ có nói về cách để chọn được một tai nghe chống thấm nước đáng tin cậy.

Cách phổ biến nhất để đo lường khả năng chống mồ hôi và chống nước của một tai nghe là dựa vào xếp hạng IPX. Xếp hạng IPX càng cao thì khả năng bảo vệ càng tốt. Một tai nghe có chỉ số IPX cao, có thể chống thấm nước thực sự tốt, thì anh em có thể thoải mái mang theo đi bơi và rửa nước mà vẫn không bị hỏng.

Tai-nghe-true-wireless-audio-technica-ath-CK3TW
Tai nghe in-ear True Wireless Audio Technica ATH-CK3TW được tích hợp công nghệ chống thấm nước chất lượng IPX2

6/ Công nghệ cân bằng âm thượng lưu Sonarworks True-Fi

Đây là công nghệ phần mềm được tích hợp trong các tai nghe cao cấp. Trong một tai nghe, âm cao có thể quá cao, âm trầm có thể bị át đi, Sonarworks True-Fi sẽ giúp cân bằng các âm thanh lại với nhau để âm kiểu nào cũng hiện diện vừa đủ và đúng mức. Cơ bản nó tạo ra cơ chế tự “sữa chữa” âm thanh để tái tạo lại sự cân bằng trong tai nghe.

Ngoài ra còn một số công nghệ có tính đặc thù thương hiệu: độc quyền, dùng cho một hoặc vài dòng sản phẩm cụ thể. Có thể kể ra như:

  • Adaptive EQ trên các Apple AirPods Pro: độc quyền của Apple. Công nghệ này giúp tai nghe tự động điều chỉnh các dải tần số thấp và trung của bài nhạc để phù hợp với cấu tạo tai của mỗi người nghe, qua đó nâng cao trải nghiệm âm thanh nơi người nghe.
  • Quad-Layer Speaker (công nghệ loa bốn lớp): công nghệ độc quyền của các tai nghe LG. Trong đó tai nghe sẽ được thiết kế có thêm một lớp màng ngăn cách giữa dải bass và dải treble, để giúp chất âm tách bạch, hạn chế nhiễu âm và tăng cường độ mỗi dải âm lên. Thường được dùng trên các tai nghe không dây của LG.
  • JBL Signature Sound: đây là công nghệ độc quyền của các sản phẩm âm thanh từ thương hiệu JBL. Nó giúp mang tới dải âm trầm dài, tăng cường tập trung vào bass để trải nghiệm nghe nhạc và xem phim trở nên hấp dẫn và xập xình hơn.
  • Công nghệ Khuếch đại âm thanh Super X-Fi của Creative: Một nhược điểm lớn của các tai nghe nói chung là âm trường nhỏ. Để hạn chế việc này, hãng Creative đã mang tới công nghệ khuếch đại âm thanh Super X-Fi kéo dài và mở rộng âm trường trong các headphone cao cấp.

Còn rất nhiều công nghệ nhỏ khác được phát triển riêng cho tai nghe của mỗi hãng. Nhưng chung quy mình nghĩ chơi game hay giải trí đơn thuần thì các công nghệ trên thật ra đã khá đủ. Anh em đặc biệt quan tâm tới công nghệ nào, chia sẻ với mọi người ở comment bên dưới nha.