Nếu chừng vài thập kỷ trước, số lượng các công ty lớn tập đoàn chuyên sản xuất bàn phím chỉ đếm trên đầu ngón tay thì hiện nay con số đã lên đến hàng trăm. Và giữa thế giới muôn trùng đó đâu sẽ là lựa chọn tốt nhất cho bạn trong sự nghiệp gaming. Phongcachxanh mạn phép tổng kết lại 8 cái tên thương hiệu bàn phím cơ gaming đang được yêu thích nhất hiện nay. Tất nhiên đây không phải là tất cả và cũng không phải là những thương hiệu hoàn hảo, nhưng mỗi tên gọi đều có đặc điểm và sự khác biệt riêng. Chính nét khác biệt đó đã làm nên thương hiệu và cảm tình nơi người dùng
Còn có rất nhiều những bàn phím cơ khác nữa, vẫn rất tốt, chất lượng, bền bỉ và có nhiều tính năng nhưng có thể chưa phổ biến và thường xuyên có mặt trong top list bình chọn thế giới nhiều. Và nói chung còn tùy taste của mỗi người, loại game đang chơi và thói quen riêng. Nên mình mới gọi đây là “mạn phép”.
1/ Realforce: Thương hiệu bàn phím cơ Nhật Bản của tập đoàn Topre
Realforce là thương hiệu bàn phím cơ của Topre Corp, tập đoàn công nghiệp chính xác từ Nhật. Hãng tới giờ đã có hơn 30 năm kinh nghiệm sản xuất switch và các linh kiện đi kèm cho công nghệ.
Điểm nổi bật: bàn phím cơ Realforce tất nhiên sẽ dùng switch điện dung độc quyền Topre. Topre là loại switch độc nhất vô nhị thế giới với công nghệ điện dung không tiếp xúc, lực nhấn nhẹ nhàng (cho nên mới nói là lướt qua cánh anh đào). Mỗi khi bấm sẽ nghe một âm thanh “tock” rất đặc trưng của switch Topre (cũng là cái khiến cho dân ghiền Topre thì mãi mãi ghiền Topre). Chất liệu sản xuất được tiết chế và lựa chọn rất kỹ cho từng model, màu sắc cũng vậy, rất nhã nhặn và tinh tế (như kiểu Realforce A/R2A-US5-IV chỉ cần nhìn màu trắng ngà và màu trắng xám là có thể thấy một trời quá khứ retro). Chất liệu cao cấp nên tạo cảm giác cầm trên tay rất hoàn thiện và chắc nịch, dù bề ngoài không có gì quá nổi bật hay màu mè.
Realforce còn nổi tiếng với công nghệ công thái học xuất sắc, hiểu người dùng đến từng chi tiết. Realforce là một trong những hãng đầu tiên thiết kế khe luồn dây cáp sang các bên, điểm rất nhỏ mà tiện lợi vô cùng hay như việc bàn phím Realforce luôn có độ nghiêng 6 độ, không cần đế chống mà vẫn vừa tầm, dễ quen tay và cảm giác gõ tự nhiên không mỏi. Giá bàn phím cơ Realforce khá cao nhưng lại được lòng rất nhiều người chơi phím cơ. Toàn bộ các bàn phím đều được thiết kế và sản xuất tại Nhật Bản chính gốc cùng chế độ bảo hành 12 tháng.
Bởi cơ chế độc đáo trên các switch của bàn phím Realforce nên chúng rất khó hư hoặc gặp một số vấn đề như double click, nhảy phím. Về hệ sinh thái phụ kiện cho Realforce, vốn dĩ sử dụng switch Topre nên khá khó thay thế những bộ keycap khác (trừ phiên bản Realforce R2 RGB tương thích hầu hết các keycap trên thị trường). Một điểm hay nữa của các hãng bàn phím Nhật Bản là hệ phụ kiện tương thích nhau. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng kê tay Filco hoặc nắp đậy bụi của Filco cho bàn phím Realforce và nhìn hợp lý, sử dụng thoải mái.
Hiện nay, phiên bản cao cấp nhất là Realforce R2 RGB và R2 for Mac Silent APC có giá đến 6.380.000đ chính hãng tại Việt Nam. Đây có thể gọi là một mức giá khá cao với một chiếc bàn phím nhưng hãy điểm qua những điểm sau: switch Topre luôn luôn là mới nhất, không bao giờ double click, có thể chỉnh được độ nhạy của phím, cảm giác gõ rất êm và chất lượng Made in Japan.
Một số dòng Realforce phổ biến hiện nay: Realforce R2 RGB, Realforce R2 Silent, Realforce R2 for Mac APC Silent…
Giá tham khảo: 5.000.000đ – hơn 6.000.000đ
2/ Razer: cái tên không game thủ nào có thể chối từ với những dòng phím cơ chuyên game cực mạnh
Razer là một trong những nhà sản xuất tiên phong trong ngành gaming gear, họ tạo ra xu thế của của các thiết bị ngoại vi chuyên dụng cho việc chơi game, khai phá thị trường gaming gear màu mỡ và thay đổi nhận thức của thế giới mãi mãi về sau. Nếu không có Razer thì ngành công nghiệp game mà chúng ta đang thấy chắc chắn sẽ khác đi rất nhiều.
Razer được thành lập vào năm 1998 bởi một nhóm các nhà tiếp thị và kỹ sư với mục đích phát triển thị trường chuột máy tính chơi game cao cấp, gọi là Boomslang, nhắm mục tiêu, đối tượng khách hang đến các game thủ máy tính. Các sản phẩm của Razer thường được nhắm mục tiêu vào các game thủ. Phần lớn các sản phẩm của Razer là thiết bị ngoại vi máy tính bao gồm chuột, thiết bị âm thanh, bàn phím, chuột và miếng lot chuột gamepads. Razer cũng đã phát hành một máy tính xách tay (Razer Blade), một máy tính bảng (Razer Edge), và gần đây là một phần mềm VoIP Razer vệ tinh viễn thông.
Năm 2013 – 2014 khi các switch clone của Cherry MX được tự do sản xuất thì Razer nhanh tay khi bắt tay với Kailh để sử dụng switch của họ trên bàn phím cơ của mình. Sau một thời gian nghiên cứu thử nghiệm, các bàn phím cơ Razer giờ không còn dùng switch Kailh như hồi đầu mà chuyển hết sang dùng switch Razer chính chủ và sau đó là Razer Opto-Mechanical sử dụng ánh sáng để nhận lệnh thay cho cơ chế cánh bướm kim loại truyền thống.
Razer có xuất phát điểm là chuyên các thiết bị gaming nên khi làm ra các bàn phím gaming phần đèn và hiệu ứng luôn rất được chú trọng. Sau nữa là thiết kế góc cạnh có vẻ hơi hầm hố hơn so với bình thường. Game thủ vốn thích đặt bàn phím một chỗ và làm sao cho góc chơi game ngầu nhất có thể, nên thiết kế nhìn chung là thế mạnh của Razer trong giới gaming. Bàn phím cơ Razer cho cảm giác gõ trong mức ổn, nếu bạn chọn dòng huntsman với các loại switch Opto-Mechanical thì cảm giác gõ cũng tương đối khá so với mặt bằng chung các bàn phím cơ gaming hiện nay.
Bàn phím Razer có 2 dòng chính là Huntsman và BlackWidow. Trong đó BlackWidow là dòng truyền thống dùng switch Razer cơ học, còn Huntsman là dòng hiện đại hơn dùng các switch quang học. Ngoài ra một dòng đặc biệt nữa là Tartarus Pro dành riêng cho tay trái giúp những bạn yêu thích những tựa game FPS sẽ rất thích do sự nhỏ gọn, đặc thù và công thái học.
Một số model bàn phím cơ Razer phổ biến hiện nay: Razer Blackwidow Green Switch, Razer Huntsman, Razer Huntsman Tournament Edition, …
Giá tham khảo: 2.500.000đ – 3.500.000 VND
Xem thêm >> Switch bàn phím cơ là gì? Các loại Switch phổ biến nhất 2023
3/ Filco: thương hiệu bàn phím cơ từ Diatec, Nhật Bản: Tối giản, chất lượng và tập trung 100% cho cảm giác gõ
Thuộc sở hữu của tập đoàn Diatec Corporation (thành lập tháng 6/1982), bàn phím Filco xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1992 với các model dành cho máy tính Macintosh. Trải qua quá trình phát triển và tối ưu trong thiết kế, các bàn phím Filco giờ đây nổi danh hơn bao giờ hết khi cho cảm giác gõ êm ái, thật tay cùng độ bền mà bất cứ hãng bàn phím cơ nào cũng khao khát.
Trứ danh với series Majestouch, Filco hợp tác vơi hãng switch danh tiếng Cherry MX từ Đức tạo nên series bàn phím nổi tiếng Gõ hay – Gõ bền mà bạn chơi bàn phím cơ nào cũng phải nghe qua. Sự kết hợp giữa độ bền vô đối và thực dụng từ Nhật cùng chất cơ khí chính xác cao từ Đức khiến mỗi bàn phím cơ Filco Majestouch-Series đều là một tuyệt tác về bàn phím cơ.
Trải qua nhiều năm phát triển và định hướng sản phẩm, giờ đây Filco nổi danh với các dòng sản phẩm thuộc series Majestouch như sau:
Majestouch 2
Thế hệ bàn phím cơ thứ 2 từ Filco với bo mạch chính được update vật liệu FR-4 chống cháy. Một mặt bo mạch này giúp người sử dụng an toàn hơn với các sự cố không đáng có như chập điện nhưng lý do chính khiến Filco sử dụng loại vật liệu này là chống chịu với môi trường sử dụng tốt hơn.
Bản thân vật liệu FR-4 còn giúp bo mạch chống chịu với các yếu tố môi trường tốt hơn như độ ẩm, nhiệt độ. Tuy nhiên loại vật liệu này có giá thành không phải rẻ nên FR-4 chỉ thường được ứng dụng trên các bo mạch điện tử cao cấp trên server, máy tính trên các hệ thống máy bay, du thuyền,…
Ngoài bộ bền, Filco Majestouch 2 còn gõ hay với sự hợp tác sát sao với đối tác Cherry MX từ Đức. Mỗi chiếc switch đều được Filco Nhật Bản kiểm tra, bôi trơn và được thực hiện QC (Quality Control) lần cuối thật kỹ trước khi được lắp đặt lên bàn phím cơ Filco giúp tạo nên cảm giác gõ mà bạn nên thử mới có thể đánh giá được.
Majestouch Convertible 2
Tiền thân của dòng này là Majestouch Wireless ra mắt năm 2007 vốn chỉ bán nội địa tại thị trường Nhật Bản. Trải qua 7 năm hoàn thiện các tính năng và sự ổn định, Filco ra mắt series Majestouch Convertible 2 năm 2013 lần đầu tiên trên thế giới với khả năng kết nối lên đến 4 thiết bị Bluetooth, 1 thiết bị qua cáp USB cũng như bạn có thể chuyển nhanh giữa 5 thiết bị trong nháy mắt.
Với series Filco Majestouch Convertible 2, giá trị thực dụng nằm ở chỗ bạn có thể sử dụng bàn phím cơ này ở mọi nơi, mọi không gian làm việc cũng như bất kỳ thiết bị nào bạn đang sở hữu. Dù đó có là iPhone, iPad, Macbook, iMac, Ultrabook hay PC, chỉ cần có cổng USB hoặc Bluetooth là bạn có thể sử dụng ngon lành và ổn định.
Cũng giống như người anh em Majestouch 2, tiền tố này trong tên khẳng định đây là dòng bàn phím cơ Filco sử dụng bo mạch FR-4 siêu bền – Thứ mà mọi hãng bàn phím cơ khác đều đang rất thèm muốn.
Majestouch Minila Air
Là “em út” về kích thước trong gia đình Majestouch, Filco Majestouch Minila tuy mang tiếng em út nhưng mọi công nghệ từ các thế hệ đàn anh đều góp mặt trên series này. Đơn cử như kết nối Bluetooth độ trễ thấp kết hợp bo mạch chính FR-4 siêu bền biến đây là một bàn phím cơ cực chất từ nhà Filco.
Nói đến Filco Majestouch Minila là nói về layout – cực dị nhưng cực thực dụng. Bạn có khó thể tìm kiếm một bàn phím cơ Mini nào có bố trí các phím thông minh như thế. Những phím bạn thường dùng như Fn, delete, cụm mũi tên, backspace đều được nhân đôi giúp bạn thoải mái lựa chọn phím sao cho thói quen sử dụng hợp với mình nhất.
Là một bàn phím cơ với biệt danh là “Typing Machine”, Filco Majestouch Minila vang danh trên khắp thế giới khi layout hoàn toàn tập trung vào trải nghiệm nhập liệu. Dù bạn có bàn tay quá khổ kích thước châu Mỹ hay nhỏ nhắn xinh xinh như tay người châu Á, khó có đôi tay khó tính nào có thể bỏ qua sự thích thú khi “typing” trên bàn phím cơ mini này.
Fact nhanh: các phím Fn kép đặt hai bên spacebar đã được Filco đăng ký bản quyền nên bạn không thể tìm thấy bàn phím cơ nào khác ngon hơn.
Majestouch Minila-R Convertible
Siêu phẩm mới nhất năm 2020 từ nhà Filco đánh dấu bước ngoặc mới cho cả hãng nói riêng và thế giới bàn phím cơ cao cấp nói chung.
Tiền tố Majestouch kết hợp cùng Minila và Convertible có thể hiểu nôm na là:
- Majestouch: siêu bền với bo mạch FR-4.
- Minila: kích thước nhỏ gọn với layout “Double Fn” đã đăng ký bản quyền.
- Convertible: chuyển đổi nhanh giữa nhiều thiếu bị.
- Và R – Re-define: tái định nghĩa lại mọi thứ về những đều trên, cả về bàn phím cơ.
Bo mạch FR-4 ngoài bền hơn giờ đây còn được tối ưu hóa giúp giảm độ trễ gần như tuyệt đối. Đến mức bạn có thể chơi game ngay cả trên kết nối Bluetooth low-energy mà độ giật lag gần như không có. Layout Minila giờ đây được tinh giản theo đúng tinh thần Minila – Nhỏ nhưng có võ. Vẫn giữ đặc trưng riêng là phím Fn đôi nhưng số lượng phím được rút xuống 63 phím. Đây có thể xem vừa là thách thức, vừa là sự thú vị mà bạn phải đặt tay lên mới biết được.
Convertible – Bluetooth được nâng cấp lên phiên bản 5.1 xịn nhất thời điểm ra mắt với tính năng “chuyển kênh” giúp tránh các kênh dễ bị nhiễu và chuyển sang kênh sóng ổn định hơn. Thêm nữa, các phím chuyển thiết bị đã trở thành phím nhấn trực tiếp. Nhờ đó nhấn phím 1 là chuyển qua máy 1, nhấn máy 2 chuyển máy 2,… rất tiện luôn.
Một số sản phẩm bàn phím cơ Filco phổ biến tại Việt Nam: Filco Majestouch Convertible 2, Filco Majestouch Minila-R Convertible Sky Gray, Filco Majestouch Minila-R Convertible ASAGI,…
Giá tham khảo: 3.500.000đ – 6.000.000 VND
4/ Corsair: những chiếc bàn phím gaming độc đáo và hàng loạt tính năng đáng nể
Corsair là công ty toàn cầu được thành lập 1995 tại Mỹ với mảng thị trường game PC và thiết bị máy chủ. Hãng chuyên về cung cấp gaming gear và xung lưu trữ cho các game thủ. Hiện nay Corsair đã phát triển và tiếp thị sản phẩm trên nhiều quốc gia khác nhau. Nói về game thì Corsair là một cái tên không thể thiếu với gamer, nổi bật nhất có thể kể đến các dòng sản phẩm:
- Bàn phím chơi game: Nhằm mở rộng thị trường và phục vụ cho game Corsair cũng ra mắt bàn phím chơi game với ưu điểm nổi bật về chất lượng, đặc biệt là khả năng chống bụi và nước. Bàn phím Corsair cũng xứng đáng có mặt trong bàn phím chơi game.
- Tai nghe chơi game: Nếu là là một tay chơi game thì tai nghe Corsair là một thiết bị dành cho bạn. Với âm thanh chất lượng, chất liệu mềm mại sẽ cho bạn một cảm giác tuyệt vời chơi game. Những âm thanh tai nghe có thể mô phỏng chính xác tiếng đàn, bước chân, tiếng súng và âm thanh sống động.
- Ghế chơi game: Ngoài chuột, bàn, phím thì Corsair còn cho ra mắt ghế chơi game Corsair với chất lượng trải nghiệm tuyệt vời nhất cho game thủ. Với thiết kế đẹp mắt, chất liệu bền bỉ, Corsair xứng đáng là chiếc ghế mà bạn sở hữu.
Dòng bàn phím cơ Corsair phổ biến nhất là series K95 với sự bổ sung một dãy các phím phụ bên trái phục vụ rất nhiều công việc khác nhau từ gán phím tắt, gán tổ hợp phím cho đến việc lập trình để sử dụng như một stream deck vừa đủ dùng cho nhu cầu cá nhân. Có thể nói LED là một truyền thống của Corsair khi các sản phẩm của họ luôn hướng đến sự màu mè nhất có thể. Đèn nền RGB có mặt trên tất cả sản phẩm giúp bạn thoải mái phô trương góc chơi game siêu ngầu của mình.
Đa phần các sản phẩm Corsair hướng đến đèn LED RGB nên các phụ kiện đa phần đều là đèn và chúng đồng bộ với nhau qua phần mềm Corsair iCUE và làm rất tốt nhiệm vụ tạo nên góc chơi game chuẩn mực hấp dẫn cho các game thủ.
Một số model bàn phím cơ Corsair phổ biến hiện nay: Corsair K95 Platinum XT RGB, Corsair K70 MK.2 SE RGB (MX Speed), Corsair K95 Platinum RGB, …
Giá tham khảo: 3.000.000đ – 4.000.000 VND
5/ Das keyboard: thiết kế tối giản độc đáo và có những điểm nhấn thú vị
DAS keyboard là một thương hiệu bàn phím cơ ưu tú trên thị trường, là dòng sản phẩm “đẻ trứng vàng” của Metadot Corporation (Texas – Hoa Kỳ). Tất cả các bàn phím DAS keyboard đều dùng switch Cherry và Greetech. Tuy thời gian ra mắt không quá lâu như nhiều hãng bàn phím “cụ” khác, nhưng Das keyboard có thể nói đã trải qua quá trình tự vận động và nhiều thời kỳ model khá đa dạng và thú vị:
- Lần ra mắt đầu tiên là vào 2005 với kiểu bàn phím lấy cảm hứng từ Model M cổ điển của IBM. Nhưng với cải tiến hay là mỗi phím có thể điều chỉnh lực bấm riêng, nặng nhẹ khác nhau tùy người dùng.
- Đến 2008, DAS keyboard giới thiệu hai model Ultimate và Professional. Hai kiểu bàn phím cơ này cũng không tạo được dấu ấn đặc biệt nào trên thị trường, từ kiểu dáng, cảm giác gõ, chất lượng build đến kiểu kết nối.
- Nhưng 2009 đã đánh dấu một bước ngoặt lớn của DAS keyboard với sự ra mắt của Das Keyboard Model S. Với nhiều cải tiến vược bậc, không còn dấu vết của những nhược điểm trước đây. Model S cho cảm giác gõ hoàn thiện với bộ switch Cherry MX, bộ keycap ABS cao cấp có độ nhám cao để tạo độ tương tự với chất liệu PBT nhưng vẫn đảm bảo tiết kiệm chi phí sản xuất và giá thành. Đặc biệt Das model S có núm tròn điều khiển media vô cùng tiện lợi. Đây là một trong những điểm hút của model bàn phím này.
- Dòng DAS keyboard 4 được giới thiệu vào 2014 với nhiều thay đổi về thiết kế và cấu trúc, nhưng nhìn chung vẫn chưa qua được model S.
- Năm 2015, để tạo dấu ấn riêng đồng thời tăng hiệu suất cũng như giảm giá thành sản phẩm, DAS đã quyết định cho ra mắt dòng bàn phím mới với các switch nhái Cherry của chính mình, mang tên Greetech. Các dòng mới này gây ra nhiều tranh cãi về chất lượng và cảm giác bấm thực tế, nhiều người cho rằng đây là bản sao không hoàn thiện của Cherry switch và đã phần nào ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của DAS keyboard.
- Đến 2016, hãng quyết định dừng loạt bàn phím switch Greetech quay trở lại với Cherry switch và tiếp tục cải tiến để cho ra các sản phẩm mới trong tương lai.
Mặc dù không có quá nhiều sản phẩm trong mảng gaming gear như một số đại gia trong làng sản xuất đồ công nghệ nhưng Das Keyboard lại chiếm được khá nhiều cảm tình của người dùng, nhất là các game thủ. Các sản phẩm của hãng đều có sự đầu tư về chất lượng và hướng tới nhiều đối tượng người dùng khác nhau. Và cách đây cũng chưa lâu, hãng đã đã có một tuyệt phẩm để đời được yêu thích bởi rất nhiều game thủ nổi tiếng là Das Keyboard 4 Professional.
Das Keyboard 4 Professional sở hữu ngoại hình không quá cầu kỳ nhưng vẫn tạo nét nét riêng. Mặt trên của vỏ case bàn phím là 1 miếng kim loại nhôm anodized lớn, được sơn đen nhám, tạo độ bám tốt và toát lên vẻ cứng cáp và ngầu, tạo cảm giác sang trọng, cao cấp khi đặt lên bàn làm việc. Thử nghiệm bàn phím Das Keyboard với 1 số game quen thuộc như: Fifa Online 3 các pha skill có cấp độ khó cao (3 tới 5 sao) như Tâng bóng trong lúc dẫn bóng, gắp bóng qua đầu, hay Hocus Pocus và Fake Rabona được thực hiện chính xác và uyển chuyển, tạo nên các pha bóng kỹ thuật đẹp mắt. Qua game bắn súng Counter Strike thì các kỹ thuật nhảy DoubleDuck, Bunnyhops hay Longjump, Highjump được thực hiện khá dễ dàng và nhạy phím.
Một số model Das keyboard phổ biến: Das Keyboard 4C Professional, Das Keyboard 5Q, Das Keyboard 4 Professional Mechanical Keyboard for Mac…
Giá tham khảo: 2.000.000đ – 2.500.000đ00đ – 4.000.000đ
6/ SteelSeries: thương hiệu bàn phím cơ gaming với nhiều công nghệ độc quyền hấp dẫn
Được thành lập từ năm 2001 với trụ sở chính đặt tại Đan Mạch. Từ khi mới thành lập cho tới 2004, hãng chỉ làm ra các là Mousepad (Bàn di chuột) Steel Qck, và mẫu tai nghe chơi game Icemat. Năm 2004, chính thức đổi tên thành Steelseries. Từ đó ra mắt hàng loạt các sản phẩm mới như: Chuột chơi game, bàn phím, tai nghe và những phụ kiện khác. Để đến hôm nay, Steelseries đã trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này.
Steelseries đến thị trường Việt Nam đầu tiên với sản phẩm chuột máy tính, với giá khá cao (1,5 triệu đồng vào năm 2007), nhưng hầu như mất hút trên các bảng xếp hạng chuột bấy giờ. Mãi một năm sau với hai chuột Steelseries Kinzu và Steelseries XAI thì cái tên Steelseries bắt đầu được để ý và thành danh. Đây có thể coi là điểm hit cho thương hiệu tại Việt Nam, khởi đầu cho nhiều sản phẩm tiếp theo gây được ấn tượng tốt và mạnh mẽ đặc biệt phải kể tới Bàn phím cơ Steelseries và tai nghe cùng tên.
Tiếp nối thành công vang dội từ các dòng tai nghe danh tiếng, Steelseries đã cho ra mắt thế hệ bàn phím cơ chơi game cao cấp với nhiều tính năng cùng với công nghệ độc quyền hứa hẹn một sản phẩm công nghệ phát huy tối đa tốc độ và tiềm năng của người chơi, phù hợp để đi kèm các mẫu PC gaming cao cấp đền những laptop gaming giá rẻ.
Điểm đặc biệt của bàn phím cơ Steelseries: Ngoài vẻ đẹp lung linh ánh đèn, một số dòng còn cho phép bạn tùy nhỉnh riêng cho từng phím, bàn phím cơ SteelSeries còn giải quyết hết các vấn đề về cảm giác nhấn, lực nhấn, tốc độ gõ phím, mức độ chính xác và tuổi thọ cao hơn rất nhiều so với những loại bàn phím thông thường. So với Razer thì các sản phẩm phím cơ của Steelseries có giá mềm hơn một chút, hình dáng đa dạng và hút mắt, chức năng cũng không kém cạnh gì. Cho nên việc Steelseries trở thành một thương hiệu phím cơ được ưa thích tại Việt Nam hay trên thế giới thì cũng không có gì quá bất ngờ.
Với thao tác cực kỳ chính xác, nhẹ nhàng, êm ái, độ bền bàn phím cao hơn rất nhiều so với những loại bàn phím thông thường. Một số dòng SteelSeries mới sau này còn có kích cỡ TKL chuẩn mực, tiện lợi thanh lịch hơn đi kèm với bộ đèn LED nổi bật và tính năng lập trình trên từng phím.
Ngoài ra, bàn phím SteelSeries còn bao gồm các tính năng cao cấp như: Layout của bàn phím đạt chuẩn TKL, hỗ trợ đầy đủ Anti-Ghosting. Bàn phím cơ học sử dụng công nghệ switch mới nhất QX2, lực nhấn 45 gam, có thể lập trình cho từng phím, đèn LED RGB 16.8 triệu màu điều khiển bằng phần mềm, tích hợp 3 phím để hiện thông báo khi có tin nhắn trên Discord, phù hợp tất cả các hệ điều hành hiện tại.
Một số dòng phím cơ nổi bật hiện nay: Steelseries Apex PRO, Steelseries Apex PRO TKL, Steelseries Apex 7…
Giá tham khảo: 3.000.000đ – 4.500.000 VND
7/ Logitech: thương hiệu phím cơ gaming đa dạng như tắc kè hoa và phân khúc nào cũng có
Thương hiệu Logitech là thương hiệu cách đây mới chỉ khoảng 40 năm, trước đây thuộc doanh nghiệp Logitech International S.A ra đời từ năm 1981 tại Thụy Sỹ. Thời gian đầu, Logitech mới chỉ đơn thuần là một công ty sản xuất về phụ kiện máy tính. Sau đó, khi thương hiệu này phát triển rồi liên tục mở rộng quy mô sản xuất các thiết bị ngoại vi, các phụ kiện chơi game, đồ điện tử gia dụng, âm thanh. Đến nay Logitech đã gặt hái được hàng loạt thành công to lớn và trở thành thương hiệu được yêu thích bởi rất nhiều phân khúc từ trung bình thấp, đến cao cấp đều có.
Đúng là không phải là ngẫu nhiên cho thành công vượt bậc đó, các dòng sản phẩm thuộc nhiều ngành hàng khác nhau của Logitech đều có chung các đặc điểm mà rất nhiều thương hiệu tầm cỡ khác cũng chưa chắc làm được:
Thứ nhất, sự đa dạng về phân khúc sản phẩm
Khác với nhiều thương hiệu công nghệ khác chỉ tập trung theo một phân khúc cố định như giá rất rẻ, rất cao hoặc một đối tượng sử dụng, Logitech muốn chinh phục được mọi khách hàng ở các phân khúc tiêu dùng về giá thành khác nhau. Một sản phẩm khi làm ra không chỉ gọi tên một nhóm người dùng mà sẽ là đại chúng, ai cũng có thể xài được từ game thủ eSport tới giới văn phòng hay giải trí đơn giản. Bất cứ người nào cần dùng đồ công nghệ là có thể lựa chọn đuọc sản phẩm của Logitech.
Thứ hai, không ngừng cải tiến
Thiết bị lâu đời nhất của Logitech là chuột máy tính. Tuy đã trải qua nhiều năm hoạt động cùng với mở rộng của hàng loạt các ngành hàng mới, nhưng chuột của Logitech vẫn giữ vững phong độ thậm chí còn tiến bộ vượt bậc với hàng loạt những cải tiến và công nghệ mới như kết nối sóng RF vào chuột không dây, sử dụng cảm biến laser Darkfield hay hệ thống nút cuộn siêu nhanh Hyper Scroll. Nhiêu đó đủ để thấy Logitech có chiều sâu và cả chiều rộng như thế nào. Các dòng sản phẩm khác của hãng cũng đi theo nguyên tắc phát triển kinh doanh sâu rộng tương tự. Cho nên khi nói tới Logitech, người dùng luôn hào hứng vì các cải tiến không ngừng của thương hiệu này.
Thứ ba, giá thành phù hợp với mọi đối tượng
Tất cả các sản phẩm của Logitech từ nhỏ tới lớn, từ đơn giản tới phức tạp đều có một range rất rộng về các mức giá. Như có nói trên, chính vì định hướng khách hàng đa dạng và liên tục cải tiến công nghệ cho mỗi ngành hàng, nên các sản phẩm của Logitech có giá thành rất phù hợp, muốn cỡ nào có cỡ đó, tha hồ cho người dùng lựa chọn.
Thứ tư, thiết kế bắt mắt
Không tự rập khuôn vào một phong cách nhất định. Logitech có thể gọi là “con tắc kè hoa” trong làng công nghệ. Vì kiểu nào cũng chơi tốt: retro, hiện đại, cá tính, góc cạnh, màu sắc hoa hòe, tinh giản tinh khôi, Logitech cân hết. Ví dụ như bàn phím. Các kiểu bàn phím cơ của Logitech có thiết kế chuyên nghiệp hiện đại, và khá đơn giản. Trong khi các thiết kế bàn phím không cơ thì lại rất đa dạng phong phú màu sắc kiểu dáng. Còn các bàn phím chuyên dùng cho smart TV thì lại rất nhỏ gọn, tiện dụng và đơn sắc.
Không chỉ có chuột máy tính được xem như nét đặc trưng tuyệt vời của Logitech, bàn phím của Logitech cũng là một trong những sản phẩm nổi bật của thương hiệu này. Nhìn chung về thiết kế, mẫu mã, sản phẩm của Logitech đa dạng vô cùng và khó có đối thủ nào vượt qua được hết. Nói đến tính cao cấp, Logitech cũng được đánh giá cao và cũng chưa ai dám khẳng định hãng nào có thể vượt Logitech. Ngoài bàn phím, chuột máy tính thì các sản phẩm như loa, tai nghe webcam, bút vẽ kỹ thuật, vô lăng chơi game, tay cầm chơi game, điều khiển từ xa… Tất cả đều là những thành công của Logitech.
Một số dòng bàn phím cơ phổ biến của Logitech: Logitech G Pro X, Logitech G913 TKL Lightspeed Wireless, Logitech G813 RGB…
Giá tham khảo: 1.500.000đ – 5.000.000 VND
8/ Keychron: thương hiệu bàn phím cơ gaming bình dân chất tốt ổn định cao
Nắm bắt nhu cầu ngày càng đa dạng, đòi hỏi nhiều tiện ích tích hợp hơn nhưng với một giá thành mềm hơn với các bàn phím cơ, Keychron, một start-up công nghệ đã thống nhất con đường kinh doanh và bắt tay vào sản xuất hàng loạt những mẫu bàn phím cơ độc đáo thu hút rất đông người dùng trong vài năm gần đây.
Điểm nổi bật của các sản phẩm bàn phím Keychron nằm ở khả năng biến hóa khôn lường với giá cả rất phải chăng. Chúng có khả năng kết nối đa dạng, hình dáng rất bắt mắt, đa phần theo hướng retro và tối giản nhưng rất tinh tế, mỗi đường nét đều có sự trau chuốt kỹ. Thời lượng pin khủng và hầu hết các tính năng game căn bản đều làm tốt. Tất cả bàn phím Keychron đều dùng switch Gateron, có độ bền, hiệu suất và cảm giác gõ rất tốt, là một trong hai thương hiệu switch clones lớn nhất hiện nay (bên cạnh Kailh).
Chất lượng hoàn thiện, cảm giác gõ ổn nhưng không đặc sắc lắm nếu so với các thương hiệu Nhật bản kể trên nhưng Keychron nhắm hoàn toàn vào phân khúc người dùng giá rẻ. Những ngày đầu khi mới xuất hiện, Keychron được nhiều người biết loáng thoáng như một cái tên từ Trung Quốc với loạt model phím cơ giống nhau và không có gì nổi bật trên thị trường đang quá sôi động lúc đó. Nhưng sau đó vài năm, Keychron dần dần được biết đến với sản phẩm đầu tay là bàn phím cơ K1, K2, K4, K6 và sắp tới là K8 với các layout lần lượt là fullsize, compact tenkeyless, compact fullsize, mini và TKL.
Điểm nổi bật nhất của Keychron là có Bluetooth với mức giá rẻ ấn tượng so với các dòng bàn phím cơ gaming khác. Tuy nhiên chất lượng và độ bền tất nhiên không thể so sánh được với những thương hiệu gạo cội tinh tế khác. Thời gian bảo hành của các bàn phím Keychron cũng khá ngắn chỉ có 12 tháng (nếu so với Filco đổi mới 60 tháng thì là một sự chênh lệch quá lớn).
Một số model phổ biến tại Việt Nam: Keychron K8 RGB Hot Swap – Case Nhôm, Keychron K4 – Case nhựa, Keychron K6 RGB Hot Swap – Case nhôm…
Giá tham khảo: 1.500.000đ – 2.000.000 VND
Lời kết
Vẫn còn rất nhiều thương hiệu bàn phím cơ tốt ngoài kia. Nhưng nếu để chọn theo những tiêu chí cụ thể như Chất lượng/ Độ bền/ Cảm giác gõ/ Thiết kế/ Người mới chơi… thì theo mình danh sách này đã là đủ hết cho mọi nhu cầu và mọi hình thức dùng khác nhau.
Anh em chọn thương hiệu nào. Mình bao lâu vẫn vậy cứ Filco thẳng tiến thôi.
Tham khảo thêm sản phẩm bàn phím cơ tốt nhất tại Phong Cách Xanh >> Bàn phím cơ CHERRY Xtrfy K5V2 Compact RGB – 65%