Card màn hình là phần cứng quan trọng kể cả khi nâng cấp máy hay ráp bộ PC theo ý. Với gamers và dân thiết kế thì lại card màn hình còn mang ý nghĩa sống còn, món quyết định cho trải nghiệm gaming và chất lượng kết quả công việc. Nên chọn một chiếc card màn hình đúng, tốt, phù hợp với nhu cầu của mình thật sự là việc rất đau đầu.
Trong quá trình đau đầu đó, có hàng trăm thứ phải đắn đo, suy nghĩ. Thôi hay để mình giúp một tay, tiết kiệm phần nào thời gian phụ anh em, bằng cách liệt kê ra một số gạch đầu dòng những thứ cần lưu tâm khi chọn mua card màn hình nha.
1/ Chọn AND hay Nvidia?
Trong bất kỹ lĩnh vực nào cũng có những ông lớn. Họ là tượng đài vừa là căn cứ đáng tin cậy cho lựa chọn của người tiêu dùng. Nhưng khi có 2-3 ông lớn cùng lúc, thì chỉ riêng việc chọn anh A hay anh B thôi cũng đã là một vấn đề.
Card màn hình thì ta đã luôn biết về cuộc chiến giữa Đội Xanh và Đội Đỏ. Xanh là Nvidia, đỏ là AMD. Không nói tới các ca rd màn hình tích hợp sẵn trong CPU hoặc laptop (vốn hầu như chỉ thích hợp cho các công việc và giải trí đơn giản), thì hầu hết các card màn hình rời trên thị trường bây giờ, dù mang nhãn hiệu nào, thì đều được xây dựng dựa trên các chip xử lý đồ họa từ một trong hai tên tuổi: AMD hoặc Nvidia. Nói đơn giản là card màn hình có nhiều loại, nhiều thương hiệu, nhiều giá tiền, nhưng tất cả đều dựa trên nền tảng kỹ thuật của Nvidia hoặc AMD, nền tảng này được gọi chung là các GPU (Graphic Processing Unit – đơn vị xử lý đồ họa)
Quy trình là hai công ty này sẽ làm ra cái gọi là Reference Designs (thiết kế tham chiếu) cho các mẫu card màn hình của họ, tương ứng với một GPU nhất định. Và cái đó sẽ trở thành tiêu chuẩn để các bên đối tác thứ ba (AIB) của họ dựa vào, tinh chỉnh và làm ra hàng loạt các card màn hình đa dạng hơn đưa ra thị trường.
Các phiên bản card màn hình gốc từ Nvidia thì được gọi là “Founders Edition”. Các mẫu card Founders Edition của Nvidia thường được đánh giá là có thẩm mỹ cao hơn các card tinh chỉnh từ các đối tác AIB của họ, nhưng lại có xu hướng bảo thủ, không có khả năng ép xung mạnh và có nhiều tùy chỉnh về tản nhiệt, màu sắc các thứ như card từ các AIB. So với thế hệ trước là GPU RTX 20 Series, Nvidia đã có sự thay đổi đáng kể trên các dòng GPU mới hiện nay. Thay đổi lớn nhất là: kích thước PCB của card đã giảm đi 50% so với trước kia. Và khả năng cải tiến kỹ thuật của Nvidia còn thể hiện rõ ràng hơn ở khâu thiết kế tiên tiến và vượt thời đại, đặc biệt là trên các card RTX 30 Series Founders Edition. Nói chung so hiệu năng, Nvidia có thể thua AMD một chút, nhưng về khả năng đi trước thời đại ở khâu thiết kế công nghiệp thì Nvidia đang là số một.

Nền đã đẹp và tiên tiến rồi thì các bản tinh chỉnh tiếp đó từ các AIB hẳn nhiên cũng đẹp và hiện đại xuất thần. Anh em xem hình dưới đây này.

2/ Loại card màn hình nào bạn đang thật sự muốn mua?
Card màn hình cũng chia làm 2 loại riêng biệt: card dành cho người tiêu dùng (chơi game, làm việc, hoặc sáng tạo nội dung), và card chuyên dụng dành cho máy trạm và các công việc khối lượng lớn đòi hỏi thuật toán phức tạp hoặc liên quan tới AI. Cả AMD và Nividia đều có đủ hai chủng loại này và được phân biệt qua tên gọi:
- AMD thì có Radeon RX là dòng tiêu dùng và Radeon Pro và Radeon Instinct là dòng chuyên dụng.
- Nvidia thì có GeForce cho tiêu dùng còn Titan và Quadro dùng cho máy trạm và AI.
Trong cả hai thị trường này thì hiện tại AMD đang có lợi thế ở mảng tiêu dùng với hiệu suất tốt và khả năng ép xung cao. Còn Nvidia lại đang thống trị phân khúc cao cấp của cả hai thị trường này, với các dòng sản phẩm đẹp mắt và công nghệ tiên tiến.

Nói sâu vào mảng card màn hình tiêu dùng thì trong Nvidia lại chia làm 2 dòng con: Nvidia GeForce GTX và GeForce RTX. Còn AMD thì có Radeon RX, Radeon RX Vega và Radeon VII các đời cuối.
Giờ là lúc anh em phải khoanh vùng tiếp các lựa chọn của mình rồi, đọc tiếp nha.
3/ Độ phân giải và công nghệ monitoring của card màn hình sẽ là yếu tố đầu tiên bạn nên quan tâm sau khi đã chọn ra thương hiệu và dòng sản phẩm mục tiêu
Độ phân giải (resolution) là số pixel theo chiều ngang và chiều dọc mà tại đó card màn hình sẽ hiển thị tốt hình ảnh trên màn hình. Thông số cần thiết này rút ra từ các game yêu cầu cấu hình mạnh nhất mà bạn đang muốn chơi, và từ đó quyết định loại card màn hình phù hợp với nhu cầu.
Hiện tại card màn hình thấp nhất cũng có thể hiển thị được các độ phân giải cao như 3.840 x 2.160 pixel (còn gọi là 4K). Nhưng đó chỉ là hình ảnh tĩnh, còn trong game hiện đại, bạn sẽ có rất nhiều chuyển động, hiệu ứng đồ họa khác nhau đi kèm cho nên các card này sẽ không đáp ứng được tốc độ tăng khung hình cần thiết, kết quả là hình ảnh game khi chơi không được mượt mà chi tiết như mong muốn. Ba độ phân giải phổ biến nhất hiện nay là 1080p (1.920 x 1.080 pixel), 1440p (2.560 x 1.440 pixel) và 2160p hoặc 4K (3.840 x 2.160 pixel).
Ngoài ra, khi mua card màn hình ngoại trừ xem xét độ phân giải yêu cầu cao nhất từ game, anh em còn cần phải xem luôn độ phân giải gốc của màn hình. Đây chính là mức phân giải tối đa mà panel màn hình có thể hỗ trợ được, và cũng là độ phân giải mà tại đó màn hình sẽ hiển thị đẹp nhất. Nếu mua card có resolution ở mức AA mà màn hình chỉ đủ sức thể hiện mức A thì rốt cuộc bạn cũng chỉ có thể xem hình ở mức A thôi, vừa tốn tiền lại vừa không khai thác hết hiệu suất thực của card màn hình. Uổng lắm.
Công thức chung: [Chọn độ phân giải card màn hình = độ phân giải cao nhất của game đang chơi + độ phân giải gốc của màn hình + độ phân giải tối đa mà CPU có thể tải được]
Màn hình gaming Asus ROG Swift PG35VQ, một trong những mãu màn hình gaming có tốc độ khung hình cao hiện nay.
Lý do: Tốc độ khung hình chúng ta nhận được cuối cùng sẽ luôn nằm ở mức chung cao nhất của sức mạnh CPU, sức mạnh GPU và khả năng truyền tải của đầu ra (màn hình). Chọn card màn hình bạn phải lưu tâm tới cả ba yếu tố này cùng lúc. Một số game ở mức căn bản (từ 1080p trở xuống) thì lưu ý chỉ cần khả năng đồ họa có sẵn trong CPU là giải quyết được. Còn các game hiện đại, đẹp, sắc nét, chi tiết với chuẩn 4K trở lên thì đều cần có hỗ trợ thêm từ GPU bên ngoài, và chắc chắn việc kết hợp thêm card màn hình ngoài phù hợp sẽ mang lại sự khác biệt rất lớn.
Chúng ta cùng xem qua khả năng “xử lý” của các card mới nhất đang có trong từ cả Nvidia và AMD với các game độ phân giải 4K và thấp hơn, xem mọi thứ diễn tiến thế nào nhé.
Lấy ví dụ card màn hình GeForce RTX 3080: RTX 3080 cho hiệu suất 93 fps trong Far Cry 5 ở độ phân giải 4K (cao hơn 50% so với GeForce RTX 2080 Super thế hệ trước 61 fps). Còn trong các game có độ phân giải 1080p thì chỉ cải thiện được 11% so với RTX 2080 Super. Lý do là vì ở mức 1080p tối đa, CPU có thể cõng nổi và gánh phần nhiều trách nhiệm hơn so với card màn hình, nên có card màn hình mạnh thì cũng chỉ khai thác được một phần khả năng thôi. Nhưng khi qua tới 4K thì trọng trách lại thuộc về GPU, lúc này chọn GPU đúng sẽ giúp tăng khả năng hiển thị đồ họa lên rất nhiều.
Kết luận nào cho sự độ phân giải card màn hình?
Chơi game ở độ phân giải cao hơn sẽ giúp bạn có nhiều lợi thế hơn đối thủ của mình với độ chính xác hình ảnh hoàn hảo tới từng pixel. Nhưng lần nữa việc lựa chọn card màn hình có độ phân giải tối đa bao nhiêu lại còn tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người.
1/ Nếu chỉ chơi các game 1440p hoặc 1080p, bạn không cần phải chi tới mấy chục triệu để mua một chiếc card màn hình đời mới hoàn toàn. Hiện tại có rất nhiều GPU tầm trung có thể đạt hiệu suất 1440p để bạn tha hồ lựa chọn. Anh em có thể nghĩ là mình cần dự trù cho tương lai khi muốn chơi nhiều game hơn hoặc các game đồng loạt nâng cấp đồ họa, nhưng sự thật là chỉ có 3% người dùng là đang chơi game ở chế độ 4K (số liệu từ Steam cuối 2020).
2/ Nếu bạn chơi game hành hành động tốc độ cao hoặc chơi eSport thì nhất thiết phải cần chọn một combo màn hình gaming có tốc độ làm mới cao và card màn hình cao cấp, ít nhất màn hình có ít nhất 60Hz, thậm chí các màn hình tân tiến giờ có thể leo tới 144Hz, 240Hz hoặc thậm chí 360Hz để chơi game mượt mà hơn.
Như màn hình gaming thế hệ mới ViewSonic XG270QG này có tốc độ làm mới lên tới 165Hz
3/ Còn nếu nhà không có gì ngoài điều kiện thì cứ thẳng tay với một combo gồm card màn hình cực mạnh để đầy tốc độ lên cao nhất có thể, và màn hình có tốc độ làm mới cực cao để chiến cho đã mọi tựa game mà không ngán thằng Tây nào.
(Còn nhiều các thứ cần lưu tâm khi chọn card màn hình, anh em xem tiếp Phần 2 của series tại đây nhé)