Ở phần trước là sự lựa chọn bên ngoài mà cụ thể nhất là case. Vì đó hầu như là bộ mặt của cả dàn PC. Nhưng chỉ đẹp ở bên ngoài mà bên trong không bắt mắt thì không được hay lắm, người ta thường nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng khi nói tới PC Master Race thì phải tốt cả gỗ lẫn nước sơn. Vậy chọn được một case đẹp rồi thì bạn làm gì để “phần nội tạng” được đẹp hơn?!
Đi dây
Đây là một trong những bước tối quan trọng nếu bạn muốn dàn PC của mình nhìn “clean”. Đặc biệt hơn khi bạn mua một case có cửa sổ thì lại càng quan trọng hơn nữa, case có cửa sổ mà bạn để một tổ nhện dây bên trong thì giống như… xúc phạm cái case vậy.
Để đi dây được đẹp thì trước hết là phải chọn case có kích thước thoải mái một chút, như vậy thì bạn mới dễ sắp xếp và dồn những phần dây còn dư. Những case mid-tower trở lên thì rất dễ đi dây, bạn chỉ cần dây rút nhựa là có thể sắp xếp được khá dễ dàng. Còn những case mini-tower thì hơi khó một chút, đặc biệt là những case bình dân thì lại càng khó hơn nữa, không có nhiều chỗ để bạn dồn dây, hơn nữa cũng không có nhiều vị trí để bạn cố định dây hay luồn dây rút nhựa vào trong đó. Nói chung thì nếu bạn lỡ chọn mua một case mini-tower bình dân mà dây nhợ luộm thuộm thì cũng không phải lỗi của bạn, chỉ là bạn không có điều kiện để mua case cao cấp mà thôi.
Nếu bạn ráp máy sẵn thì đa số thợ sẽ đi dây sẵn cho bạn rồi, nhưng trong trường hợp bạn không vừa ý hay tự ráp một mình thì có thể tự nghiên cứu lại đường dây sao cho đẹp nhất. Đi lại dây cũng không khó, nếu bạn chưa luồn dây lần nào thì có thể tìm kiếm trên mạng theo kiểu “tên của case bạn đang sử dụng” rồi thêm chữ cable management rồi làm theo. Nhưng đó là cách khi bạn mua những case nổi tiếng thì mới có hướng dẫn đi dây cụ thể, còn những case khác thì hơi khó kiếm một chút, nhưng không khó tới nỗi bạn phải lên mạng tìm thì mới làm được, chỉ cần có một chút thẩm mỹ và linh động là bạn có thể luồn được dễ dàng thôi.
Đi dây theo kiểu ít tiền
Không có điều kiện hì đơn giản là bạn chỉ mua dây rút nhựa về rồi thiết kế đường dây sao cho gọn nhất mà thôi. Cũng tùy vào case bạn mua mà dây rút nhựa có phát huy được hiệu quả hay không, nhưng không ít thì nhiều bạn cũng cố định được kha khá dây nhợ. Đối với những case nhỏ thì dây nhợ sẽ khó lòng mà dồn hết được ra sau lưng nên cách đơn giản hơn là cố gắng cố định 2 bó dây chính (dây nguồn cho mainboard và CPU) sao cho gọn nhất, chủ yếu là để bạn đậy được nắp. Những dây khác như SATA hay PICe, bạn có thể dồn ra sau lưng nếu có thể, nếu không thì cách tốt nhất là dồn hết phần dây và khay ổ cứng. Chính vì kinh phí thấp nên bạn chỉ mua được một case bình dân và một bộ nguồn bình thường, sau đó cũng cố lại dây nhợ cho gọn hơn thôi, nhưng nhìn chung cũng rất đẹp.
Đi dây theo kiểu có kha khá tiền
Nếu có điều kiện hơn thì chọn một case mid-tower là rất có lợi thế, chỉ cần chi tối đa khoảng ~1.500.000 là bạn có thể đi dây thoải mái hơn rất nhiều rồi. Mặt sau các loại case mid-tower sẽ cho bạn chỗ trống nhiều hơn, và bạn có thể nhét được thêm một mớ dây nhợ ra sau lưng nữa mà không cần phải dồn hết vào khay ổ cứng. Món bạn sử dụng chủ yếu lúc này vẫn là dây rút nhựa thần thánh, nhưng trường hợp bạn có mua case có basement thì có cách để làm đẹp hơn nữa.
Khi có basement thì bạn sẽ sử dụng được lợi thế và dồn hết phần dây dư vô trong đó, lúc này bạn có thể chi thêm khoảng vài trăm ngàn để mua những đoạn dây nối dài để cho đẹp hơn.
Thường thì bạn sẽ mua những đoạn dây chủ yếu là cho 24-pin (mainboard) và PCIe (card đồ họa), đoạn dây nối này vừa có màu sắc đẹp vừa dàn trải các dây ra đẹp hơn chứ không bó thành 1 bó. Giá của những đoạn dây nối dài này sẽ rơi vào khoảng 200.000 cho dây nối PCIe và khoảng 400.000 cho dây 24-pin.
Đi dây theo kiểu có nhiều tiền
Có điều kiện hơn nữa thì bạn có thể chọn các loại case rộng rãi, tối ưu về khoảng đi dây và thường sẽ có luôn basement. Những case này có giá khá cao, khoảng từ 2.000.000 trở lên, nhưng tiền nào thì của nấy, mua case về là bạn sẽ thấy thiết kế cho phần đi dây khác một trời một vực. Mua xong case thì món còn lại là PSU, các dòng PSU sẽ có loại full modular hoặc semi-modular. Full modular là tất cả dây sẽ tháo rời ra được, còn semi-modular thì sẽ cố định dây 24-pin là chính. Những bộ nguồn này thường sẽ có dây được thiết kế dàn đều theo đầu cắm chứ không bó lại nên nhìn rất đẹp, cũng có những bộ nguồn bó dây lại như bình thường nên cắm trực tiếp mà không có dây nối kiểu thì sẽ xấu. PSU thuộc 2 dạng này sẽ có giá khoảng 2.000.000 trở lên và tăng dần theo mức công suất nữa. Chủ yếu mua được các loại PSU này là bạn sẽ đỡ tốn công đi dây hơn và không cần phải dồn dây dư vào một chỗ nữa, những dây nào không cần thiết thì bạn cứ tháo ra, nên tổng cộng chỉ có khoảng 4 dây cắm vào nguồn là pin-24 & PCIe cho CPU + card đồ họa & SATA nguồn mà thôi.
Nếu được, bạn có thể mua thêm những dây nối để có nhiều màu hơn, nếu bạn sử dụng loại full modular thì có thể thay đống dây đó bằng đống dây màu – nhưng mua thêm một bộ dây như vậy sẽ ngốn nhiều tiền của bạn, nên chỉ mua dây nối cho PCIe và 24-pin là đủ rồi.
Bạn có thể xem hướng dẫn cách đi dây tại đây