Đánh giá NZXT H500i

Hai thành viên mới nhất trong dòng case H Series của NZXT đó là H500i và H500, một dòng case mid-tower mới không những để mở rộng kiểu dáng mà NZXT còn định hướng H500i và H500 trở thành hậu duệ của S340 Elite.

Trước hết là sự khác biệt giữa 2 H500 và H500i, một chữ “i” nhưng sẽ ngốn của bạn kha khá. Cũng giống như các phiên bản i từ dòng H trước của NZXT là H200i – H400i và H700i đó là sẽ có Smart Device và LED đi kèm.

Lần này phong cách thiết kế của H500i sẽ hơi giống một case đã từng làm mưa gió trong phân khúc dưới 1.5 triệu đó là Phanteks P300. H500i cũng “gọt” bớt phần kính cường lực bên dưới, thay vào đó phần basement sẽ được đưa ra làm phần đế đỡ kính. Nhưng không rập khuôn mọi thứ như bạn thấy từ Phanteks P300, H500i (H500) sẽ bỏ phần ốc cố định kính ở bên hông và dời ra phía sau chỉ với một con thumb screw (ốc vặn bằng tay). Trên kính sẽ có hai vị trí cố định kính, khi ốp vào case thì 2 điểm này sẽ được cài vào 2 chốt nằm ngang gần nóc case, vì vậy khi tháo lắp bạn sẽ không gặp trường hợp kính ngã rồi phải đi cắt mica ốp vào thay thế.

Front I/O sẽ bao gồm 2 jack Audio và Mic, 2 cổng USB 3.1 Gen 1 và nút nguồn cơ bản (vẫn giữ phong cách không nút Reset). Gần đó là đặc điểm nổi bật nhất của H500i – mặt trước và trên nóc sẽ không có điểm tiếp xúc, bởi vì cả hai sẽ gộp thành một tấm kim loại lớn – tạo cảm giác như một miếng bìa cứng mỏng gập 90° rồi ốp vào phần còn lại của case. Mặc dù tấm thép cấu tạo phần nóc và mặt trước mỏng nhưng đủ chắc chắn để tạo sự cứng cáp cho case.

Với thiết kế liền nhau như vậy thì tất nhiên bạn sẽ không thể tháo front panel ra được như những case khác. Vì vậy mà NZXT sẽ có giải pháp tao nhã khác nếu bạn cần gắn radiator hay fan phía trước, bên trong case sẽ có một khung kim loại được gài bằng 2 chốt và cố định bằng 2 thumb screw, bạn chỉ việc tháo khung này ra và gắn 2 fan 120 hoặc 140 hay radiator 240 hoặc 280 tùy thích.

Phía trước cũng chừa sẵn một khoảng trống kha khá, không phải để bạn gắn fan hay radiator vào đó mà là chừa chỗ cho không khí đi vào.

H500i sẽ chứa được mainboard có form factor từ ATX trở xuống, vị trí gắn mainboard được khoét một phần khá rộng – thuận tiện khi bạn cần gắn bracket cho tản nhiệt mà không cần phải tháo cả mainboard ra. Kế bên là điểm đặc trưng của NZXT đó là thanh che dây và cũng là chỗ gắn reservoir, bạn cũng có thể tháo thanh này ra tùy trường hợp sử dụng.

Phần basement (che nguồn) sẽ có nhiều lỗ bằng nhau, thiết kế chính là để bạn gắn 2 khay 2.5” vào nếu bạn muốn khoe SSD xịn. Ngoài ra phần này cũng khá liên quan tới việc H500i lại được gắn sẵn 2 fan exhaust mà chút nữa bạn sẽ biết vì sao.

Ở mặt dưới, bạn sẽ thấy phần ốc cố định khung gắn HDD được vặn vào những rãnh trượt, bạn có thể chọn vị trí đặt của khung HDD sao cho phù hợp để giấu phần dây nhợ còn dư. Ngoài ra đây cũng còn là chỗ để bạn bắt pump, nhưng để bắt pump vào đây thì bạn phải tháo khung HDD ra đồng nghĩa với việc bạn sẽ chỉ sử dụng ổ 2.5″ hoặc M.2 mà thôi.

Về mảng lọc bụi thì NZXT cũng khá chăm chút với mọi vị trí lấy gió… từ phần trên nóc ra. Những vị trí lấy gió sẽ bao gồm dưới PSU, mặt dưới của front panel và bên hông case sẽ có những khung lọc bụi. Việc vệ sinh khung lọc bụi cũng khá tiện lợi nhất là khi bạn sử dụng vị trí fan mặc định của case, bụi sẽ đi vào rất ít vì không có fan intake.

Ở mặt sau case, NZXT cho bạn một giải pháp “chống đi dây xấu” rất tinh tế. Có rất nhiều chỗ để bạn cột dây rút, ngay cả khung gắn fan và radiator khi gắn vào cũng cho bạn vài chỗ móc để cột dây rút. Khu vực sau thanh che dây và gần nguồn 4 pin mainboard sẽ có những rãnh nhựa để bạn nhét dây vào trong đó. Những rãnh nhỏ sẽ dành cho dây fan, còn rãnh lớn sẽ cho dây nguồn 24-pin hay những cụm dây linh tinh. Rãnh dây lớn sẽ có dây dán Velcro – một điểm nhấn tượng trưng cho những dòng case cao cấp, và cũng là thứ mà dân “DJ” nào cũng thích, nhờ dây dán mà bạn sẽ ép những bó dây sát vào bề mặt dễ dàng hơn. Bạn cũng có thể tháo toàn bộ những rãnh đi dây ở mặt sau, bạn sẽ có thể tự do đi dây theo ý mình thích nhưng bù lại sẽ mất đi lợi thế từ những dây dán velcro có sẵn. Với thiết kế phần dây nhợ khá khoa học của NZXT, bạn sẽ khó lòng đi dây xấu, trừ khi dây quá nhiều tới nỗi không có chỗ để nhét. Ngoài ra còn có 2 cụm lỗ được bố trí sau lưng khu vực mainboard, đây là chỗ để bạn đổi vị trí của 2 khay 2.5” đi kèm phòng trường hợp bạn có SSD quá xấu và không muốn khoe hoặc muốn dồn hết dây ra sau lưng cho gọn.

Với khoảng cách chênh lệch không nhiều nên bạn chỉ việc khui thùng rồi sử dụng thôi chứ không cần đổi vị trí fan, 2 vị trí còn trống phía trước bạn có thể gắn thêm 2 fan tùy thích.

Cũng nhờ cách lấy gió này mà case sẽ hút rất ít bụi vào trong, vì không khí di chuyển rất chậm từ bên ngoài vào không đủ để ép bụi đi xuyên qua màn lọc được.

Kế đến là điểm đặc trưng của dòng “I” và dòng thường, H500i sẽ đi kèm Smart Device – một thiết bị khá là đa năng và cho bạn tùy chỉnh những nhiều thứ. Bản thân Smart Device là một fanhub, vừa là một phiên bản thu gọn của Hue+ nên bạn sẽ có thể điều chỉnh được LED và fan speed. Trên Smart Device sẽ có 3 đầu cắm fan, 2 fan mặc định sẽ được cắm vào 2 vị trí đầu tiên, vị trí thứ 3 là một sợi chia ra 3 đầu gắn fan nữa – rất tiện lợi khi bạn muốn gắn thêm fan mà mainboard lại hạn chế đầu CHA_FAN.

Đi kèm Smart Device sẽ là một dãy LED cứng gắn sẵn trên nóc của case và một sợi LED mềm được kẹp vào sau thanh che dây. Sợi LED mềm sẽ chỉ được kẹp cố định vào thanh che này, nếu muốn bạn cũng có thể tháo ra và gắn ở vị trí khác hoặc không sử dụng cũng được. Nhưng đây là vị trí hợp lý vì khi sợi LED này sáng, nó sẽ tỏa ra một dạng ambient light ở phía sau case và bên rìa mainboard nhìn rất đẹp, làm cho bên trong case sáng đều chứ không chỉ khu vực gần kính. Vả lại dây gắn vào sợi LED mềm này được nối trực tiếp từ dãy LED cứng ở trên nóc, và đoạn dây này vừa đủ để gắn sợi LED mềm ngay sau thanh che dây, nên thực chất bạn có muốn dời đi thì cũng rất khó.

Smart Device cũng cho bạn lựa chọn khác nếu bạn có mua Aer RGB của NZXT, khi sử dụng Aer RGB thì buộc lòng bạn phải hy sinh đầu cắm LED để gắn Aer RGB vào, không được tự do như bạn sử dụng Hue+. Và nói về phần tinh chỉnh thì Smart Device có một channel LED duy nhất nên lighting effect sẽ bị hạn chế, và bạn chỉ có thể chỉnh một effect áp dụng cho những thứ đang cắm vào Smart Device chứ không phối nhiều effect giữa 2 channel như Hue+ được.

Ngoài việc tinh chỉnh các thứ có trong case, Smart Device sẽ có một micro thu âm, và bề mặt có nhiều lỗ sẽ được hướng vào bên trong case, micro này có tác dụng nhận biết độ ồn để điều chỉnh fan speed. Đây là tính năng làm cho Smart Device thể hiện được độ “smart” của mình, để thiết lập tính năng điều chỉnh fan speed theo độ ồn (Adaptive Noise Reduction) thì bạn phải đăng nhập vào CAM Software của NZXT sau đó theo hướng dẫn để bắt đầu tinh chỉnh.